Vừa qua, Tòa Giám mục Long Xuyên đã phổ biến“Hướng dẫn mục vụ về an táng và bữa tiệc áp dụng trong giáo phận Long Xuyên”. Riêng với tiệc mừng, bản hướng dẫn là dịp để nhìn lại và cải thiện những hạn chế vì lợi ích chung của cộng đoàn tín hữu.
Mấy hôm nay, giáo dân xứ Đồng Phú, hạt Tân Hiệp dường như phấn khởi hơn sau khi được linh mục chánh xứ phổ biến bản hướng dẫn mục vụ của giáo phận. Ông Nguyễn Quang Phụng, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ đặt nhiều hy vọng: “Từ giờ đến trước Tết Nguyên đán là thời điểm của mùa cưới, mong rằng hướng dẫn mục vụ của giáo phận sẽ tạo sự đồng thuận để bà con trong xứ có sự điều chỉnh cách tổ chức gọn nhẹ, chuyện văn nghệ hát hò cũng ít lại để không ảnh hưởng đến hàng xóm vào lúc đêm hôm”.
Bà con thôn quê thường có thói quen tổ chức nhóm họ rình rang khoảng 30-40 bàn tiệc, tương đương với tiệc chính của đám cưới. Có tiệc đông như nêm, nhưng cũng có đám dư cả chục bàn gây lãng phí cho gia chủ. Chưa kể các hộ dân không có điều kiện cũng “phải theo” khiến gia đình lâm cảnh nợ nần. Trong đó, có trường hợp gia đình bà Phan Thị Bình, giáo dân trong một xứ đạo ở tuyến kênh 10, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Trong 6 năm liền làm đám cưới cho 3 đứa con, phải vay mượn làm tiệc chính, tiệc họ mà nợ nần đến nay vẫn chưa trả hết. Cũng theo ông Phụng, hướng dẫn của giáo phận rất hợp tình hợp lý, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhà đám nói chung, nhất là những hộ dân khó khăn.
Một trong số sáng kiến giúp giảm “gánh nặng” cho giáo xứ, cho giáo dân, là cách mà xứ Đồng Phú, xứ Mông Triệu ở tuyến kênh 2 đã áp dụng khi bãi bỏ những bữa tiệc giao lưu đội hoa vào tháng Hoa hằng năm. Gần chục năm về trước, hoạt động giao lưu đội hoa diễn ra rầm rộ nhiều nơi, giữa các giáo xứ trong cùng một tuyến kênh, giữa các giáo hạt lân cận, thậm chí có khi đến giáo hạt Hà Tiên xa xôi. Mỗi dịp như vậy, giáo xứ “chủ nhà” thường thết đãi vài chục mâm từ kinh phí xứ đạo hoặc giáo dân đóng góp. Không phủ nhận tính tích cực của hình thức này, nhưng đâu đó đã có sự ganh đua “đội này hoành tráng hơn đội kia”. Hạn chế những hệ lụy không đáng có, hình thức giao lưu đội hoa vì thế mà dần bãi bỏ, việc dâng hoa đội hoa ở một số nơi cũng được thay bằng dâng hoa cộng đồng.
Là vị mục tử mở lối cho hình thức dâng hoa cộng đồng trong gần chục năm qua ở giáo xứ Mông Triệu, cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Tự còn khuyến khích giáo dân trồng hoa, hái hoa trong vườn nhà để dâng hoa kính Mẹ, thay vì mua hoa bên ngoài. Cũng với tâm tình hướng đoàn chiên thiên về đời sống thiêng liêng, từ ngày ngài về xứ, tất cả các lễ mừng bổn mạng giáo xứ, quan thầy hội đoàn đều không tổ chức tiệc mừng, không tặng hoa quà, mà chú trọng việc dự lễ tạ ơn sốt sắng cùng những lời chúc mừng thân tình. Mỗi lần được mời dự tiệc cưới, hình ảnh giáo dân Mông Triệu thường thấy là vị linh mục chánh xứ đến làm phép của ăn, chỉ dùng một hai món rồi trở về nhà xứ.
Khác với những nơi trù phú, vùng truyền giáo như xứ Kiên Lương, hạt Hà Tiên bao lâu nay có truyền thống lễ mừng, tiệc mừng thường tổ chức giản dị nhất có thể. Không văn nghệ đàn hát, cũng chẳng linh đình khách khứa, ngày lễ bổn mạng xứ đạo hoặc lễ Giáng Sinh hằng năm chỉ gói gọn trong vài bàn tiệc thân tình. Đôi lần tham dự, ông Trương Tiến Lộc, giáo dân trong xứ kể về niềm vui trong những bữa tiệc có sự hiện diện của một số lương dân, là dịp để bà con tín hữu và bà con xích lại gần nhau, chứ không đơn thuần chỉ là bữa tiệc nhân kỷ niệm dịp này dịp khác. Theo người đàn ông 47 tuổi, làm nghề lương y, hướng dẫn mục vụ của giáo phận giúp cho khoảng cách xứ giàu xứ nghèo dần được lấp đầy, nơi trù phú hay khó khăn, thì tiệc lễ cũng chung quy về sự chừng mực trong khả năng có thể.
Cũng như nhiều nơi, giáo xứ Châu Thái, xứ Đồng Công ở tuyến kênh F, giáo hạt Vĩnh Thạnh đã được phổ biến nội dung thư mục vụ và sắp tới sẽ áp dụng trong sinh hoạt của xứ đạo bằng những việc làm cụ thể. Theo mong mỏi của bà con, cảnh mổ trâu, mổ bò mở tiệc mừng lễ bổn mạng từ nay sẽ được giản tiện; tiệc nhóm họ trong đám cưới cũng được gói gọn theo hướng mới. Từ kinh nghiệm thực tế sau khi tổ chức hôn sự cho con trai vào năm ngoái, một giáo dân xứ Đồng Công là bà Đỗ Thị Thanh Tâm nhớ lại áp lực, sự mệt mỏi sau khi nhóm họ đãi vài chục bàn tiệc. Không quá quan trọng chi phí, nhưng việc tiếp đãi đông người khiến cho cô dâu chú rể và cha mẹ mệt nhoài, trong khi phải chuẩn bị cho lễ đón dâu và tiệc chính vào ngày hôm sau. Theo bà Tâm, thực tế một số gia đình cũng muốn tổ chức nhóm họ chỉ có bà con thân thuộc, nhưng lại không dám làm vì sợ bị mang tiếng hà tiện, tiết kiệm.
Không chỉ có đám cưới, sinh nhật, trong khuôn khổ xứ đạo, nhất là những xứ lớn mỗi năm có đến trên dưới 20 tiệc mừng dịp kỷ niệm thành lập xứ, bổn mạng các hội đoàn, lễ tạ ơn tân linh mục, lễ khấn, lễ giỗ…, nên chi phí “hiện kim” cũng theo đó mà chất chồng.
Hướng dẫn mục vụ mới của giáo phận là dịp để nhìn lại, để kiện toàn và là nơi giáo dân kỳ vọng vào sự đổi thay. Suy cho cùng, tiệc đạo hay tiệc đời khi được tổ chức theo hướng có chọn lọc, văn minh sẽ là một trong những yếu tố tạo nên sự đồng thuận rộng khắp, trở nên hữu ích cho cộng đoàn Dân Chúa, góp phần tích cực trong nhịp sống truyền giáo mà vẫn tôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của các xứ đạo nơi miền sông nước.
“Khích lệ hai họ tổ chức nhóm họ đúng với ý nghĩa về nghi thức nhóm họ theo truyền thống Việt Nam. Cụ thể, tiệc nhóm họ không mời bằng thiệp mời; không mời khách không liên hệ đến họ hàng của cô dâu và chú rể. Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh được yêu cầu không đi dự tiệc nhóm họ đám cưới. Ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ chỉ dự tiệc nhóm họ của họ hàng mình. Vì lẽ công bằng và vì đức bác ái trong các tổ chức liên quan đến đám cưới, ban tổ chức cần tôn trọng hàng xóm, nhất là trong đêm khuya”. (trích Hướng dẫn mục vụ về an táng và bữa tiệc áp dụng trong GP Long Xuyên) |
ĐINH VŨ
Bình luận