Dòng Tôi tớ Ðức Mẹ do 7 vị đồng sáng lập, đó là Bonfilius Menaldi, Benedicto Antella, Gierado Sestegui, Bartholomeo Amidei, Gioan Manetti, Ricover Lippi, Alexis Falconieri.
Các vị đều ở Florence, trong đó có ba đấng độc thân, hai đấng có gia đình và hai đấng góa vợ. Florence là một thành phố phồn vinh, nhưng về sau bị các phe nhóm chính trị và sự buông lỏng tôn giáo làm xáo trộn. Các ngài là những thương gia tên tuổi ở Florence, có chung một lòng yêu mến Ðức Mẹ, nên quyết định thay đổi xã hội đương thời bằng cầu nguyện và những hành vi đạo đức. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1233, các vị được một thị kiến: Ðức Mẹ khuyên họ chọn đời sống ẩn dật và cầu nguyện. Sau lần thị kiến này, cả 7 người đem tài sản chia cho người nghèo, chỉ để lại những gì cần thiết cho cuộc sống, rồi bắt đầu sống khắc khổ nghèo khó trên đỉnh núi Sênariô.
![]() |
Sau nhiều năm sống như các ẩn sĩ, các ngài đến gặp Giám mục và xin một luật sống để tuân giữ. Vị Giám mục khuyến khích các ngài hãy cầu nguyện và xin Ðức Mẹ soi sáng hướng dẫn. Rồi một ngày kia, Ðức Mẹ lại hiện đến với các ngài, tay cầm một áo dòng màu đen, bên cạnh là một thiên thần mang theo một cuộn giấy với hàng chữ: “Những Tôi Tớ Ðức Mẹ”. Trong thị kiến này, Ðức Mẹ đã chọn các ngài làm tôi tớ và nói các ngài mang tu phục màu đen. Ðây chính là bộ tu phục các ngài đã mặc từ năm 1240. Bảy vị bắt đầu sống cuộc đời tu trì theo luật dòng thánh Augustinô, với mục đích là rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sự thương khó của Ðức Mẹ
Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ được Giáo hội chính thức công nhận năm 1304. Vào đầu thế kỷ XIV, dòng đã đảm nhận công cuộc truyền giáo ở Ấn Ðộ và có nhiều cơ sở ở Anh và châu Mỹ.
Bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ đã được Ðức Thánh Cha Lêô XIII tôn phong Hiển thánh năm 1888.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.