Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đem theo Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor miền Galilê để cầu nguyện. Ngài chọn ba trong số mười hai tông đồ để lời chứng của họ trở nên xác thực hơn trước mặt các luật sĩ và dân chúng, vì Phêrô, Giacôbê và Gioan là cột trụ của Giáo hội. Khi đến nơi, bỗng nhiên gương mặt của Chúa Giêsu biến đổi và y phục của Ngài trở nên trắng tinh. Cùng lúc đó ba tông đồ thấy Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Môsê là đại diện cho lề luật và Êlia là đại diện cho các ngôn sứ. Ðiều này chứng tỏ rằng Chúa Giêsu là Ðấng Messia được tiên báo trong thời Cựu Ước. Cuộc xuất hành mà Thánh Kinh nói đến là nói về cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.
![]() |
Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba lều, một cho Ngài, một cho Môsê và một cho Êlia” (Mt 17,4). Nhưng Phêrô đã không hiểu ông nói gì. Sự biến hình của Chúa Giêsu không có nghĩa để cho ba tông đồ này giải trí, nhưng là bước chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ của họ mai sau. Sau đó từ trời có đám mây bao phủ các ngài và từ trong đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Sau đó chỉ còn một mình Chúa Giêsu. Các tông đồ được bảo là không được nói với bất cứ ai về những gì họ đã chứng kiến. Biến cố Chúa Hiển Dung (Giáo hội cử hành phụng vụ vào ngày 6.8 hằng năm) là để minh chứng rằng Chúa Giêsu là Ðấng Messia và là con Thiên Chúa, đồng thời để gia tăng niềm tin cho các tông đồ trước lúc Người bước vào cuộc khổ nạn.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.