Thánh Catarina Siêna là một trong số ít thánh nữ được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh. Ngài chào đời ngày 25.3.1347 tại Siêna, trong một gia đình giàu có ở Ý. Lúc 6 tuổi, ngài đã được một thị kiến thấy Chúa. Năm 1365, Catarina xin vào Dòng Ba Ðaminh. Luật lệ dòng cho phép ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, thánh nữ sống trong phòng riêng, hãm mình và cầu nguyện. Năm 1366, đang khi dân thành Siêna tổ chức lễ hội thì Catarina cầu nguyện trong phòng. Lúc đó Thiên Chúa đã hiện ra với ngài, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria và đạo binh các thiên thần. Ðức Mẹ đã dẫn ngài đến với Chúa Giêsu và xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng. Ðây là lễ cưới nhiệm mầu giữa thánh nữ với Ðức Kitô.
![]() |
Sau biến cố đặc biệt trên, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo và các tù nhân. Năm 1375, khi đang cầu nguyện trong nhà thờ thánh Cristina ở Pisa thì được Chúa in 5 dấu thánh. Thánh nhân nổi tiếng thánh thiện nên thường được nhờ hòa giải các xung đột và hiểu lầm trong gia đình.
Năm 1376, thánh Catarina sang Avignon, nước Pháp để van xin Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma sau 74 năm trống tòa. Những ngày tháng còn lại, thánh Catarina dùng để viết quyển “Ðối thoại”, một quyển sách được Chúa Thánh Thần linh hứng. Ngoài ra thánh nữ còn viết hơn 400 bức thư mang tính thiêng liêng cao quý.
Sau khi đã hiến dâng chính mình như những chứng nhân cho Giáo hội, vị thánh đạo đức đã bình an đi về với Chúa ngày 29.4.1380, khi tròn 33 tuổi, được an táng dưới chân bàn thờ dòng Ðaminh Santa Maria Sopra Minerva. Ngày 29.6.1461, được Ðức Piô II tôn phong lên bậc hiển thánh. Ðức Phaolô VI tôn phong vào hàng tiến sĩ Hội Thánh ngày 4.10.1970.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.