Thứ Năm, 03 Tháng Năm, 2018 14:13

Thánh Giuse thợ

Đức Thánh Cha Piô XII đã lập nên lễ thánh Giuse thợ vào ngày 1.5.1955 làm bổn mạng của giới lao động, trùng vào ngày thế giới đã chọn để mừng Ngày Quốc tế Lao động từ năm 1889 nhằm tôn vinh quyền lợi cơ bản của người công nhân.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa được mô tả như một nghệ nhân miệt mài với công việc tạo thành vũ trụ và con người. Thiên Chúa muốn con người làm chủ và hoàn thành kế hoạch tình thương của Ngài: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Như vậy, lao động bắt nguồn từ lệnh truyền của Thiên Chúa, con người phải mồ hôi đẫm mặt, mới có bánh ăn (St 3,19).

Thánh Giuse, người thợ mộc làng quê Nazareth, đã sống cuộc đời bình dị bằng mồ hôi và công sức của mình, điều đó giúp mọi người hiểu được giá trị và sự cao cả của lao động. Nhìn vào tấm gương của thánh Giuse, Chúa Giêsu nhận thấy được giá trị của việc lao động hằng ngày và sự nguy hiểm của lười biếng. Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài bắt chước Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy” (Ga 5,17). Trong các dụ ngôn về nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: dụ ngôn người mục tử (Ga 10,1-16); người làm vườn nho (Mc 12,1-12), người gieo giống (Mc 4,1-9)… Thánh Kinh đã viết: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10). Mỗi người phải ra sức làm việc để có của nuôi thân và gia đình, đồng thời lao động là để cộng tác với Chúa trong chương trình tạo dựng.

Đời sống lao động luôn gắn liền với con người. Người ta có thể làm việc chân tay và có người dùng tới trí óc, tất cả đều là lao động. Mừng lễ thánh Giuse thợ cũng là lúc mỗi người ý thức về việc lao động, về ngành nghề của mình. Vì những công việc chân chính giúp mỗi người cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm