Thánh Marcô là tác giả quyển Phúc Âm thứ hai, là Tin Mừng ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, chỉ có 16 chương. Phúc Âm theo thánh Marcô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Biểu tượng của thánh sử Marcô là sư tử có cánh, do bởi đoạn ngài diễn tả thánh Gioan Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Mc 1,3). Các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm; còn về đôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êdêkien về bốn con vật có cánh để áp dụng cho các thánh sử.
![]() |
Theo truyền thống, Marcô, còn có tên là Gioan hay Gioan-Marcô, là người Do Thái, sinh ở Giêrusalem. Người ta không nói về cha ngài, nhưng nói về mẹ ngài là bà Maria, người nhiệt tâm có căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu ở Giêrusalem. Marcô là người họ hàng với thánh Barnaba.
Thánh Marcô không phải là một trong 12 tông đồ, nhưng là môn đệ của thánh Phêrô. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, thánh nhân tháp tùng thánh Phaolô và thánh Barnaba. Nhưng khi đi tới Perghê thì ngài trở về Giêrusalem.
Vài năm sau, trong chuyến truyền giáo lần thứ hai, Phaolô không muốn đem Marcô theo. Vụ này đã khiến Phaolô và Barnaba nổi nóng với nhau đến nỗi phải chia tay nhau: Marcô và Barnaba sang Cyprô, trong khi đó Phaolô và Xila thì tới Syria (Cv 15, 38). Sau đó, Marcô cũng đi theo Phêrô và làm thông dịch cho ngài và được Phêrô gọi là con (1Pr 5, 13). Thánh Marcô theo chân Phêrô đến Rôma, tại đây Marcô và Phaolô đã giải hòa với nhau khi Phaolô đang bị cầm tù.
Marcô viết Tin Mừng tại Rôma dựa vào lời giảng của thánh Phêrô. Khi viết xong quyển Tin Mừng, Marcô đến Alexandria bên Ai Cập để loan báo Tin Mừng và thành lập giáo đoàn. Sau một thời gian, ngài bị một số kẻ chống đối đức tin Công giáo bắt giữ và hành hạ, cột lại kéo lê trên sỏi đá. Hành hạ xong, chúng tống ngài vào ngục tối, tại đây ngài được phúc nhìn thấy cảnh vinh quang trên thiên đàng trước khi tắt thở. Vào khoảng thế kỷ thứ IX, thi hài của ngài được mang về từ Alexandria đến Venice và được an táng trong thánh đường mang tên ngài.
Thánh Marcô là quan thầy của Alexandria, Ai Cập và của thành phố Venice, Ý. n
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.