Thứ Năm, 29 Tháng Sáu, 2017 14:39

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tông đồ

Thánh Phêrô, quê ở Bethsaida, là một ngư phủ, được em là Anrê giới thiệu với Chúa Giêsu và cả hai được chọn làm “kẻ lưới người”. Vào thời ấy, Phêrô (có thể có vợ hoặc góa vợ), sống chung với em ở Carphanaum, bênh cạnh bờ hồ. Sau khi được kêu gọi, ngài đã bỏ mọi sự để theo Chúa. Chúa Giêsu đã đổi tên cho Simon thành Phêrô, nghĩa là tảng đá. Tên của ông luôn đứng đầu trong danh sách các Tông đồ.

Phêrô đã ba lần chối Chúa Giêsu, nhưng cũng đã có ba lần xác quyết tình yêu đối với Ngài, sau khi Chúa phục sinh (Ga 21, 15). Ba lần xác quyết tình yêu không những đã xóa bỏ ba lần chối Thầy, mà còn được đặt làm người đứng đầu Giáo hội.

Giáo hội Công giáo dạy rằng, các giám mục là người kế vị thánh Phêrô dựa trên ba đoạn Phúc Âm: Matthêu 16,13-19 nói về việc Simon Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và Phêrô được Đức Giêsu gọi là Đá Tảng; Gioan 21,15-18 cho biết sau khi Phêrô ba lần tuyên xưng lòng mến, Đức Giêsu đã trao cho ông sứ mạng “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”; Luca 22,32 nói về việc Đức Giêsu truyền cho Phêrô thực thi bổn phận nâng đỡ Giáo hội “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”.

Sau ngày lễ Thăng Thiên, vai trò tối cao của Phêrô được nhìn nhận. Phêrô chọn Matthia thay thế Giuđa Itcariốt và dấn thân đi rao giảng Chúa Giêsu là Đấng Messia. Có nhiều phép lạ được xảy ra qua lời cầu nguyện của thánh Phêrô như chữa cho người què từ lúc mới sinh (Cv 3,5) và phép lạ xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người có mặt trong nhà ông Cornêliô (Cv 10, 14). Sau Công đồng Giêrusalem năm 49, Phêrô đi rao giảng Tin Mừng ở Rôma. Sau đó không lâu, ngài bị đóng đinh lộn đầu xuống đất trên ngọn đồi Vatican trong thời bách hại của Nêrô năm 64. Thánh Phêrô để lại hai Thư được liệt kê trong phần Tân Ước.

Thánh Phaolô mặc dù không biết Chúa Kitô khi Ngài còn tại thế, vẫn được kể vào số các Tông đồ, vì vai trò lớn lao của ngài trong việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Thánh Phaolô, sinh tại Tarse (Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ) trong một gia đình Do Thái là công dân La Mã, mang tên Saul. Ngài là một biệt phái đúng nghĩa. Lần nọ trên đường đến Đamas để bách hại cộng đoàn Kitô hữu, ngài được hoán cải (Cv 9, 18). Ngài được rửa tội do một người ở Đamas và lấy tên là Phaolô. Từ đó ngài đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu khắp châu Á và Ai Cập. Với kiến thức rộng rãi về văn hóa Do Thái và Hy Lạp, thánh Phaolô được chọn trở nên Tông đồ dân ngoại và một nhà tư tưởng của Giáo hội tiên khởi.

Ngài thành lập nhiều giáo đoàn và đã viết nhiều thư mục vụ gởi cho các tín hữu ở các giáo đoàn ấy. Những thư mà ngài viết gồm 14 thư được đưa vào bộ Thánh Kinh Tân Ước ngày nay. Trong chuyến viếng thăm Giêrusalem lần cuối cùng, ngài bị những người Do Thái tấn công và bắt giữ. Nhưng vì là công dân Rôma nên ngài kháng cáo lên hoàng đế Rôma để được xét xử. Trong thời gian bị cầm tù ở Rôma, ngài viết thư gởi cho Timôthê, trong thư có đoạn viết: “Đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu tranh cho cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4, 6-7). Khoảng năm 64, Thánh Phaolô bị chém đầu trên đường Ostia.

Sau này, hoàng đế Constantinô đã cho xây hai ngôi thánh đường tráng lệ trên phần mộ của hai thánh Phêrô và Phaolô để tôn kính hai ngài. Hai vị trở thành cột trụ đức tin, được Giáo hội mừng kính vào cùng một ngày lễ, 29 tháng 6 hằng năm.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm