“Hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người”
Chúa nhật Thứ IV Phục sinh hôm nay đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI chọn làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ. Nhưng tại sao lại phải lo lắng về ơn gọi như thế?
Thiên Chúa đã dự liệu để cứu độ loài người qua Giáo hội và Ngài cũng muốn Giáo hội ấy được dẫn dắt bởi các vị chủ chăn và cộng sự của các ngài là các Giám mục, linh mục và tu sĩ. Nhưng trong hoàn cảnh thế giới hôm nay, những người đáp lại tiếng Chúa gọi xem ra càng ngày càng ít đi và có nơi đi đến khủng hoảng. Điều đó làm cho các vị lãnh đạo Giáo hội khá băn khoăn, nhất là tại những Giáo hội Âu, Mỹ. Và rồi dần dần-theo dự đoán của các nhà nghiên cứu- cũng sẽ đến lượt các Giáo hội Á, Phi và Châu Mỹ Latinh. Ở Việt Nam chúng ta, từ ít năm nay cũng đang có dấu hiệu sút giảm ơn gọi trong các chủng viện và tu viện, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đặc thù của mình. Vậy chúng ta phải làm gì ?
1. Các gia đình Công giáo phải sống ngược lại với lối sống hưởng thụ, phóng túng, của thế giới (Lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với giới trẻ tại Paraguay tháng 7 năm 2015). Sống ngược lại những lối sống hưởng thụ và phóng túng của thế giới là dám sống sát với Tin mừng, với những giáo huấn của Giáo hội, mà không ngại bị chê bai, phản kháng hay thiệt thòi về vật chất, danh giá, của cải cho bản thân và gia đình. Biết bao anh chị em Công giáo ngày nay đã lơ là với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Họ cắt nghĩa Lời Chúa theo tư kiến của họ. Họ chỉ giữ những gì họ ưa thích hay có lợi cho họ, còn những gì đòi phải hy sinh, phải từ bỏ bản thân mình thì họ tránh né.
Nếu mỗi gia đình Công giáo sống như Đức Giáo hoàng dạy thì sẽ nâng đỡ đức tin của những người trong gia đình, sẽ nuôi dưỡng ý chí hiến thân của con cái và trở nên sức mạnh nâng đỡ đức tin cho những người sống xung . Họ chính là niềm hy vọng cho Giáo hội.
2.Luôn làm gương sáng cho những người trong gia đình và cộng đoàn, nghĩa là nghĩ đến những ảnh hưởng tốt xấu của lời nói, việc làm của mình, của gia đình mình sẽ tác động trên đời sống của những người khác, mà chọn lựa cách suy nghĩ và hành động thế nào đem lại những lợi ích tinh thần cho họ như không nói dối, không lường gạt, luôn sống ngay chính....Những gương sáng ngày nay vẫn còn rải rác ở đây đó, nhưng không nhiều và không đủ sức lôi cuốn những người khô khan, vô đạo. Cách sống ấy chẳng những khích lệ, nâng đỡ đức tin anh em mà còn tạo nên nghị lực và lòng ước ao hy sinh cho Chúa trong đời dâng hiến. Nhiều thanh, thiếu niên bị hấp dẫn bởi gương sống đạo đức, thánh thiện, đầy hy sinh của các vị chủ chăn và cha mẹ họ mà muốn hiến thân cho Chúa.
3.Thường xuyên suy niệm, sống lời Chúa, liên kết với Đức Giêsu Kitô, coi thường của cải, danh vọng trần gian, sẽ là giá trị vô cùng quý báu đối với những người trẻ hôm nay. Tâm hồn nhiều người trẻ tuy yếu đuối, nhưng vẫn khao khát hoàn thiện vô biên. Một khi thấy được tấm gương sáng ấy nơi cha mẹ, anh em và bạn bè, họ sẽ hết sức cảm phục và tìm cách đi theo bằng cuộc đời dâng hiến.
4.Hãy tôn trọng, yêu mến và giúp đỡ những người dâng mình cho Chúa sống thật tốt ơn gọi của mình. Chúa Giêsu khi còn sống trên dương thế, Ngài được rất nhiều người đi theo giúp đỡ, nhưng không thấy ai lợi dụng Ngài và Ngài cũng chẳng lợi dụng ai. Hãy noi gương các thánh quý mến những Người-của-Chúa như Chúa muốn và yêu những Người-của-Chúa như Chúa yêu.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” vẫn là tiếng kêu vang vọng từ đầu kỷ nguyên dương lịch cho tới tận hôm nay. Nhưng hẳn cánh đồng lúa cần những thợ lành nghề, những chủ chăn xứng đáng chứ không phải đông số mà có thể đáp ứng chăng!
Lm. Vinhsơn Trần Văn Hòa, Gx. Bình Thới, TP.HCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.