Vượt ranh sự chết
Trong tác phẩm Tuesday With Morrie của mình, nhà văn MitchAlbom đã khuyên: “Hãy học nghệ thuật sống bằng cách học nghệ thuật chết – Learn how to live by learning how to die”. Bước vào Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô để ta học nghệ thuật sống của Người cho cuộc sống của ta, nghệ thuật Vượt Ranh Sự Chết.
Như Đức Kitô, cuộc hành trình con người là từ trong ý định đời đời của Thiên Chúa, bước vào không gian và thời gian, và cuối cùng trở về cung lòng của Thiên Chúa trong vĩnh cửu. Trong cuộc hành trình này, ta luôn ý thức giá trị đích thực của ta là tư cách là con yêu dấu của Thiên Chúa, để thưa với Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (22, 42). Với tư cách là con, ta thi hành sứ vụ yêu thương đối với anh chị em mình, cụ thể bằng sự tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Rồi trở về đích cùng là hiện diện trong Thiên Chúa với tư cách là con rất yêu dấu “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46); hiện diện với Thiên Chúa trên thiên đàng cùng với anh chị em mình: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23, 43). Vì, chính cái chết cũng là ơn gọi và sứ vụ của người Con Thiên Chúa: “Người này, đích thực là người công chính” (Lc 23, 47).
Như vậy, cùng đích của đời ta là cùng với anh chị em mình, chúng ta được sống sự sống của Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, và sống trong Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Tình Yêu: “ Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải chết, nhưng được hưởng sự sống đời đời” (Ga 3, 16).
“Tin vào Con của Ngài”, chúng ta theo mô hình của Đức Kitô sống với Tình Yêu. Khi sinh ra, nhu cầu vật chất của Ngài là rất nhỏ, chỉ là một máng cỏ làm nôi, một khăn nhỏ làm tã, một vài giọt sữa của mẹ làm thực phẩm. Nhưng nhu cầu tình yêu là rất lớn. Ngài cần tình yêu của mẹ, Ngài cần sự bao bọc của cha, Ngài cần sự đón nhận của mọi người, nhờ đó, Ngài sống còn và lớn lên. Trong sứ vụ, Ngài đón nhận vật chất là rất ít “Con Người không có chỗ tựa đầu” nhưng Ngài trao tặng tình yêu là rất lớn, “Ngài trở nên mọi sự cho mọi người”. Trong cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài kết thúc cuộc đời trần thế với nhu cầu vật chất là rất nhỏ, chỉ một khăn liệm, và một ngôi mộ mượn. Tuy nhiên, nhu cầu tình yêu là rất lớn, tình yêu của Mẹ Maria và Tông đồ Gioan, tình yêu của bà Veronica và các phụ nữ khóc thương Chúa, tình yêu của ông Giuse Arimathia, của ông Nicodêmô, của ông Simong, của Bà Veronica và các phụ nữ đạo đức, đồng thời Ngài cũng trao tặng tình yêu như tuyệt đối, “tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình vì người mình yêu”. Khi đã sống lại, với Ngài, nhu cầu vật chất hầu như không cần thiết, nhưng lại đi vào tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa “Con phó thác hồn con trong tay Cha” và thể hiện tình yêu tuyệt đối với anh chị em đồng loại “Khi nào ta được nâng lên, ta sẽ lôi kéo mọi người đến cùng ta”.
Đây là cuộc vượt ranh sự chết. Quả thật, định mệnh của ta là Vượt Ranh. Sinh ra là sự vượt ranh để hiện diện trong cõi đời này. Cuộc đời trần thế được hình thành bởi những cuộc vượt ranh không gian, thời gian, và những ranh giới nhân sinh của kiếp người và của cộng đoàn. Cuộc đời này cũng được kết thúc bởi một cuộc vượt ranh định mệnh, từ cuộc sống trần thế này con người bước qua cái chết để vào sự sống phục sinh.
Cha Henri Nouwen dùng hình ảnh người đu bay trong đoàn xiếc để diễn tả về cái chết của người Kitô hữu. Những người đu bay là những nghệ sĩ biểu diễn trong đoàn xiếc. Họ di chuyển trên không, bay và bắt lấy nhau như những nghệ sĩ khiêu vũ rất hòa hợp với nhau. Khi biểu diễn, người bay phải hoàn toàn tin tưởng vào người bắt. Chính người bắt là quan trọng. Anh phải ở đó đúng lúc, chính xác đến từng giây để nắm lấy người bay khi người bay nhảy đến. Người bay chỉ bay đến chỗ người bắt, chỉ đưa tay ra, và chờ người bắt nắm lấy tay người bay và lôi về phía mình. Điều tệ hại nhất là người bay cố tình chộp lấy tay người bắt. Nếu người bay chộp lấy tay người bắt, thì cổ tay của người bắt có thể bị gẫy, hoặc tay của người bay bị gẫy, thế là hết cho cả hai. Người bay phải tin tưởng đưa tay ra cho người bắt.
Trong giờ hấp hối, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Chúa Giêsu bay tới và đưa tay ra, và Chúa Cha có mặt đúng lúc đúng chỗ để nắm lấy tay Chúa Giêsu và lôi về phía mình. Chết là tin tưởng của ta vào Thiên Chúa đang đợi chờ ta, nắm lấy ta, và lôi ta đến với Người để hiện diện trong sự sống đời đời.
Như vậy, điều quan trọng là ta phải thường xuyên nuôi dưỡng sự sống đời đời trong ta. Bí tích Thánh Tẩy đã đem lại cho ta sự sống này. Sự sống này được bí tích Thánh Thể duy trì, được Bí tích Hòa giải củng cố, được sinh hoạt phượng tự đào sâu và được đời sống cộng đoàn trong sự hiệp thông của Hội thánh cũng như trong lý tưởng huynh đệ của xã hội làm linh động và phong phú. Như vậy, bí tích, Lời Chúa và các tương quan huynh đệ dần dần làm cho ta sẵn sàng từ bỏ thân xác hay chết của ta, và đón nhận tấm áo bất tử. Lúc đó, sự chết không phải là kẻ thù, nhưng là người bạn, cầm tay ta và dắt ta vào Vương quốc Tình yêu vĩnh cửu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học noi gương Chúa Kitô, Đấng đã vượt ranh sự chết bằng sự “vâng lời, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, vì thế Thiên Chúa tôn vinh Ngài, và ban tặng cho Ngài một danh hiệu vượt trên muôn ngàn danh hiệu, để khi nghe danh Thánh Giêsu, cả trên trời, duới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Amen
ĐGM. Giuse TRẦN VĂN TOẢN, GM. Phụ tá Long Xuyên
Bình luận