Cuộc sống Chúa ban là để phục vụ
1. Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô
Từng trang sách Tin Mừng là sứ điệp về hạnh phúc mà Chúa Giêsu gửi đến cho nhân loại. Bài Tin Mừng hôm nay nói về một đám tang, nhưng Chúa Giêsu đã biến đổi nỗi đau thương thành niềm vui, cái chết bằng sự hồi sinh.
Bởi đó, trong phần đầu của sách Tin Mừng, thánh Luca đã loan báo một Tin Mừng vĩ đại cho toàn dân (x. Lc 2,10), là con Thiên Chúa làm người, niềm hy vọng cho toàn nhân loại.
Thánh Luca rất tài tình khi giới thiệu Đức Giêsu là Thiên Chúa, một Thiên Chúa tình yêu, chỉ biết đem niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại, một nhân loại đã chết trong tội lỗi, và con Thiên Chúa đã đến trần gian để cứu sống loài người. Đó là ý nghĩa nền tảng của bài Tin Mừng hôm nay (Lc 7,11-17).
Điều khám phá đầu tiên cho ta là xác tín rằng Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta, cho dù mọi cánh cửa cuộc đời đã đóng kín không còn lối thoát.
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay đã đi đến tận cùng của sự thất vọng, chán chường..., không còn chút niềm tin để tiếp tục sống và tương lai cũng đã xa mờ. Bà đã trở thành góa phụ, nay chỉ còn một đứa con trai duy nhất cũng đã ra đi, để lại trong bà một khoảng trống vô tận. Bà khóc thảm thiết. Bà khóc vì thương con một phần, nhưng hơn thế nữa, bà khóc cho số phận bi thương của mình, không còn lối thoát. Chúa Giêsu xuất hiện và cứu thoát bà.
2. Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ
Câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ cho người thanh niên con bà góa thành Naim sống lại, là phần riêng của Luca, dường như Luca muốn, nhân câu chuyện này để gửi đến cho nhân loại một sứ điệp về tình thương của Thiên Chúa thật kỳ diệu.
Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, nhất là những người đau khổ, cơ cực. Thánh Luca nói về một Thiên Chúa tình yêu. Đức Giêsu Kitô đến trần gian là để yêu thương và cứu độ con người đang sống trong tội lỗi và bất hạnh.
Đó là nét độc đáo của Tin Mừng Luca mà Thánh Gioan cũng đã xướng họa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Nhưng điều mà chúng ta thấy đặc biệt hơn cả qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thực hiện phép lạ là do lòng thương xót của Ngài (x. Lc 7,13), chứ không phải do một lời cầu xin nào cả, như những lần mà Chúa làm những phép lạ khác. Điều này để ta nhận ra rằng, Chúa biết rõ chúng ta cần Chúa, và Ngài ban ơn cho ta là do tình thương của Ngài. Nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta nhận được bao hồng ân mà chúng ta không ngờ, không dám nghĩ tưởng tới.
Chúa Giêsu không những cứu chữa những người theo Ngài, thân quen với Ngài (x. Lc 4,38-39), mà còn thương đến những người ngoại giáo và chữa họ khỏi những bệnh tật hiểm nghèo (x. Lc 17,11-19) để rồi họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa và tôn vinh Ngài.
Chúa Giêsu là một nhà truyền giáo vĩ đại và mẫu mực. Chúa đã mở cánh cửa đến vô cùng, không bao giờ khép lại, để những ai muốn tiến bước theo Ngài, cứ tiếp tục sứ vụ của Ngài như huấn lệnh của Ngài (x. Lc 24, 44-48), là loan truyền về sự Phục Sinh của Đức Giêsu cho muôn dân, mà ngày nay Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta: “Hãy đánh thức thế giới” (ĐSTH phần II, số 2).
“Đến với muôn dân” có nghĩa là Giáo hội phải có mặt khắp nơi, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, khơi dậy niềm hy vọng cho mọi người, phục sinh mọi tâm hồn đau khổ.
Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ của Giáo hội hôm nay, là đem niềm vui, hy vọng và thức tỉnh thế giới.
3. Chúa Giêsu đánh thức chúng ta
Chúa Giêsu đã cảm được sự xót xa của người mẹ mất con. Chúa Giêsu đến và thức tỉnh bà “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Một lời trấn an, hay nói cách khác, Chúa Giêsu đem bình an cho bà.
Lời của Chúa Giêsu nói với bà góa này cũng là lời Tin Mừng cho nhân loại chúng ta, một nhân loại được con Thiên Chúa viếng thăm và ban ơn cứu độ. Đức Giêsu đến với con người để xóa bỏ cảnh sống trong đêm tối và giúp nhận ra được ánh sáng cứu độ. Cánh cửa Nước Trời đã được mở ra. Đức Giêsu đã bắc một nhịp cầu để nối liền trời với đất. Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Tin Mừng về hạnh phúc mà Chúa Giêsu đã gửi đến nhân loại, cho những người nghèo khổ, bất hạnh, khóc lóc (x. Lc 6, 20-23), qua đó chúng ta đón nhận lời Tin Mừng: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang khóc vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 7, 21).
Lời Chúa Giêsu nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14) vẫn còn vang dậy trong tâm hồn mỗi người chúng ta, là những người đã một thời chết trong tội lỗi, hãy mạnh dạn đứng dậy mà trở về với Chúa, trở về với cha mình, là Thiên Chúa nhân hậu, luôn mở rộng cánh tay để đón nhận đứa con hoang đàng trở về nhà. Có lẽ không có một tường thuật nào diễn tả về tình thương của Chúa một cách tài tình và tuyệt bút bằng Tin Mừng của Thánh Luca (x. Lc 15, 11-32).
“Hỡi thanh niên, hãy trỗi dậy!” là một lời kích hoạt cho tôi rằng, đừng có ngủ mê trong sự ù lì, biếng nhác, trong khi tôi có sức khoẻ, có nhiều năng lực để đóng góp cho mẹ Giáo hội vươn mạnh ra xa, cho mẹ Quê hương được phồn vinh, thịnh đạt.
Chúa ban cho chúng ta cuộc sống là để phục vụ Hội Thánh và đất nước.
Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.