Thứ Ba, 01 Tháng Ba, 2016 13:53

Chúa nhật XII thường niên (Lc 9:18-24)

Cứ còn hỏi mãi

Trên thế giới có nhiều tôn giáo. Đếm không hết. Mỗi tôn giáo đều có tín đồ của mình. Là tín đồ, nhưng không biết có bao nhiêu phần trăm người tín đồ biết rõ và biết đúng về “Đấng” mà mình tin theo.

Tuyệt đại đa số các vị sáng lập các tôn giáo, đều là những người tốt, thánh thiện, đáng tôn trọng. Nhưng dù sao, các vị ấy cũng đều là những con người. Những con người có một trái tim bao dung, yêu thương hết mực đồng loại của mình.

Như Đức Phật, là hoàng tử của nước Nepal ngày nay. Đứng trước cái biển khổ của cuộc đời, với sinh, bệnh, lão, tử. Ngài đã bước vào đời để cứu thế, với thuyết diệt dục để giải thoát con người

Hay như Mahomed, một lái buôn ở Baghdad, may mắn được sứ thần Gabriel hiện ra, trao ban sứ vụ, đi loan truyền sứ điệp, được cô đọng trong tập kinh thánh Koran, được viết bằng thể thơ mượt mà; để gầy dựng nên Hồi giáo.

Hay như ông Ngô Văn Chiêu, đã được Đức Cao Đài chọn lựa, tin dùng. Ngài giáng cơ, để chỉ cho ông những lời chân lý, hầu chúng sanh, có được ơn giải thoát, vì đã đến thời kỳ thứ ba để cứu thoát rồi. Đại đạo tam kỳ phổ độ.

Tất cả các vị đó, đều là những con người tốt lành và đáng kính.

Đi theo các Ngài đã lâu, nhưng đứng trước câu hỏi: “Vậy Ngài là ai” thử hỏi, có bao nhiêu phần trăm tín đồ, trả lời đúng về các Ngài?

Huống hồ là với Đức Giêsu.

Câu trả lời còn khó hơn nhiều.

“Người ta bảo Thầy là ai”?

Chúa Giêsu đặt câu hỏi này với các môn đệ trong lúc Ngài đang cầu nguyện.

“Hôm ấy, Đức Giêsu đang cầu nguyện một mình, các môn đệ cũng đang ở đó với Người, và Người hỏi các ông” (Lc 9, 18)

1. Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa.

Ngài hỏi các ông trong lúc cầu nguyện, có nghĩa là: để biết được Ngài là ai, người ta phải nhận ơn soi sáng từ trời; chứ trí óc con người không thể hiểu biết nổi.

Ngài không phải là một con người, nhưng là một Thiên Chúa xuống thế làm người. Đằng sau cái bản tính con người, còn có bản tính Thiên Chúa. Vì thế, khi người này bảo, Thầy là một tiên tri, Thầy là một người thánh thiện như Gioan Tẩy Giả, đều là không đúng. Đấy mới chỉ là một phần của sự thật.

Và như trong trang mở đầu Phúc âm Thánh Gioan còn viết: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi lời, Ngôi lời hằng ở với Thiên Chúa”. Thì Chúa Giêsu chính là lời của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa.

Và cũng chính vì chân lý cao siêu này, đã thuyết phục được một giáo sĩ Hồi giáo tên Mario Joseph, mới đây, trong lúc tìm hiểu Chúa Giêsu là ai, ông đã đi sâu vào kinh Koran và sau đó, đi vào Thánh Kinh. Ông đã nhận ra được nguồn ơn soi sáng từ trời cao, và đã nhận ra được rằng: Ngôi lời chính là Đấng tạo nên dựng nên vũ trụ, và cũng chính là Ngôi Hai, nay đã xuống thế làm Người, trong con người Giêsu. Và ông đã trở về với Ngài.

2. Và Ngài đã cứu chuộc, bằng cuộc đời tự hiến.

Đức Kitô đã xuống thế, và đi rao giảng Tin Mừng. Nhưng đó không phải là tất cả công cuộc cứu độ của Ngài.

Việc rao giảng để dạy cho người ta biết cách sống làm người cho đúng nghĩa, cũng như cách sống thế nào để đạt được hạnh phúc đời này; và hơn thế nữa, đường lối nào, phương cách nào để con người có thể đạt tới sự sống vĩnh cửu đời sau của mình.

Cuộc cứu độ của Ngài còn được định giá trọn vẹn bằng đời hiến tế của Ngài. Cả cuộc đời trần thế của Ngài, là một cuộc tự hủy, tự hủy vinh quang, tự hủy danh dự, tự hủy hạnh phúc, tự hủy ý riêng, để trọn vẹn tuân theo thánh ý Chúa Cha. Dù có phải đối mặt với những đau khổ thân xác từ bàn chân đến đỉnh đầu, với những đau khổ trong tâm hồn. từ lý trí đến trái tim, từ sự bạc đãi, phản bội của loài người, đến sự cô đơn tột cùng, cảm tưởng như bị Chúa Cha ruồng bỏ: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con” công trình cứu độ tới đây tạm hoàn tất, khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên cây thập tự giá, để rồi sau đó Ngài sống lại, trở về ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

Ngài muốn dặn dò chúng ta rằng: Phải trả lời cho đúng câu hỏi Ngài đặt ra “Còn con, con bảo Thầy là ai?”.

Thầy là Thiên Chúa, Đấng cứu độ đời con. Và con, nếu con muốn được cứu độ, cũng phải đi theo con đường hẹp. Con đường tự hủy mà Thầy đã đi.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm,

Giáo xứ Thánh Gia Kênh 7A, giáo phận Long Xuyên

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm