Đường sao thật khó đi
Úp mặt xuống gối nức nở. Buồn thì ít mà tức thì nhiều. Thằng bé 10 tuổi, tối ngày trốn học giáo lý, lại còn đánh nhau, bắt nạt bạn bè liên tục. Mình đến gặp ba mẹ nó để trao đổi. Bố nó, một gã đàn ông lúc nào cũng sặc mùi rượu, tâng tâng cái mặt, lạnh lùng: con tôi nó tệ vậy đó. Ông về đi. Từ nay tôi cho nó ở nhà, không đạo nghĩa gì nữa.
Cái nhiệt tình của đời linh mục mới được một năm bị xúc phạm, cay đắng. Đã định phang ra những lời chúc dữ. Nhưng cố nén, quay trở về nhà.
Cũng còn may, mình nhịn được. Mình mà để cho sự nóng nảy cai trị, thì lại mắc vào cái trường hợp quá “hố”, quá buồn cười, quá lố bịch của hai môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay rồi. Cây khô sao có thể hơn cây tươi. Có ai đâu, trên đường mục vụ, lại không gặp những đụng chạm tê tái.
Bởi Chúa Giêsu, cây xanh đó, cùng với các môn đệ lên Giêrusalem, đã bị những người Samari chặn đường, từ chối không cho đi qua làng. Chúa Giêsu thản nhiên chịu đựng. Trong khi hai môn đệ kia, bừng bừng nổi giận; định xin Chúa Cha cho lửa từ trời đốt cháy cả bọn, để đáp trả, trước thái độ hỗn láo của chúng đối với Chúa. Thái độ nóng nảy ấy đã bị Chúa khiển trách.
Bình tình, kiên trì và nhẫn nhục là ba thái độ bắt buộc phải có đối với người đi làm mục vụ. Bởi rao giảng Tin Mừng là một cuộc chiến để chinh phục Con tim, chứ không phải lý trí. Cứ nhìn vào công trình tạo dựng cũng như hành trình cứu độ thì thấy. Thiên Chúa lúc nào cũng từ từ, không nóng nảy, vội vàng.
Sự nóng nảy chính là sự lóe sáng của tính kiêu ngạo. Nó làm lộ ra sự tự mãn về chính mình.
Sau đó, Chúa và các môn đệ vòng sang phía khác mà đi.
Thế đấy, người làm mục vụ, phải là người có cái Lửa trong lòng, để từ đây, luôn có nhiều linh động và sáng kiến.
Đừng gặp khó khăn đã vội nản, rồi buông xuôi. Không đi thẳng được thì đi đường vòng, miễn sao tới đích. Xin hãy nhớ, ngay cạnh mình đã có Chúa.
Rồi trong lúc Thầy trò đang đi, thì có một người đến xin theo Chúa. Chúa bảo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có nơi gối đầu”.
Thế đấy, đời người làm phục vụ, phải là đời của một người sống đơn giản nghèo khó. Đừng kiêu căng, với những đòi hỏi phải đầy đủ, phải hoàn chỉnh tiện nghi. Cả cái tiện nghi tối thiểu với một giấc ngủ êm ấm Chúa cũng còn chưa có, thế mà không thiếu những người được sai đi làm mục vụ, đã từ chối không không chịu đến, vì nơi ấy là vùng sâu với một cơ sở còn “quá thiếu thốn”. Họ quên mất một điều quan trọng, là có Chúa đang cùng đi với họ.
Rồi một người khác thiện chí nữa lại đến. Anh ta cũng xin theo Chúa. Nhưng xin phép được về từ biệt gia đình. Chúa đã từ chối không chịu. Chúa muốn rằng người đi theo Chúa phải có một thái độ dứt khoát. Nói theo kiểu bình dân: đã bước chân đi, thì cấm kỳ trở lại. Đã chọn theo Chúa, thì phải đi cho trọn vẹn. Cấm không được ngoái cổ lại phía sau để nuối tiếc, để tính toán. Kể cả chôn cất cha mẹ, Chúa cũng không chấp nhận. Điều có nghĩa là: không được coi trọng tình cảm gia đình lớn hơn tránh nhiệm với Chúa, với bổn phận đã lãnh nhận.
Đối với tình cảm cao quý và lớn lao như gia đình, mà Chúa còn muốn ta đừng vướng víu; huống chi là những thứ tình cảm khác, như anh nuôi, chị nuôi, bố mẹ nuôi, em nuôi, anh, chị, em tinh thần, hay cả như những tình cảm có vẻ chừng như không được trong sáng. Bận tâm nhiều về những tình cảm ấy, người ta sẽ không thể tập trung ý hướng cho công việc mục vụ của mình. Đó là điều Chúa Giêsu không thích.
Và điều cuối cùng, người đi làm mục vụ phải luôn đau đáu ghi khắc trong hồn: là Chúa đi lên Giêrusalem. Lên Giêrusalem là đi vào đau khổ. Đừng nghĩ đến những đau khổ để rồi run. Đó là con đường thánh hiến.
Chúa đã chọn con đường đau khổ đó để đi. Người đi theo Ngài, chắc chắn không thể mơ về một con đường với nhiều hoa thơm cỏ lạ, có muôn vàn tiếng chim réo rắt bên tai.
Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm,
Giáo xứ Thánh Gia Kênh 7A, giáo phận Long Xuyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.