Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay
1. Tại Thủ đô Manila, Philippines, có trường Đại học Công giáo A-ta-di-ô do các cha dòng Tên sáng lập, tọa lạc trên một ngọn đồi. Đây là một trường cung cấp khá nhiều nhân tài cho đất nước Phi. Dưới chân trường Đại học này là một khu lao động nghèo, trong đó có một Cộng đoàn tu sĩ Tiểu đệ sinh sống. Đa số các tu sĩ ở đây đã từng ở Việt Nam trước đây.
Một hôm, một vị linh mục dòng Tên người Mỹ, là Giáo sư Đại học A-ta-di-ô tình cờ đi lạc vào khu lao động ấy và giữa đường gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau khi làm quen, vị linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ: “Thầy làm gì ở khu lao động này ?” Tu sĩ người Bỉ trả lời: “Hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, đi làm thuê làm mướn cho những ai cần”. Nghe thế, vị linh mục người Mỹ rất lấy làm tiếc về sự hy sinh lãng phí của tu sĩ trí thức người Bỉ kia. Ông cũng cho biết công việc của ông ở đây là: Dạy học cho các sinh viên, đi thuyết trình đó đây nhằm rao giảng Tin mừng qua việc đào tạo thêm những nhà trí thức phục vụ Giáo hội Phi.
2. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã sai 72 môn đệ đi thực tập sứ vụ loan báo Tin Mừng và chỉ thị các việc phải làm theo thứ tự quan trọng nhiều ít như sau:
- Một là “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”: Đức Giêsu muốn các người làm việc tông đồ đừng quá quan tâm đến các nhu cầu bản thân mà cứ phó thác cho Chúa quan phòng.
- Hai là “Đừng chào hỏi ai dọc đường”: Đức Giêsu muốn các người làm việc tông đồ cần tránh la cà mất nhiều giờ cho việc xã giao tùy phụ để dành thời gian lo cho công việc chính yếu.
- Ba là “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”: Đức Giêsu muốn các môn đệ phải ưu tiên xây dựng sự bình an hòa thuận tại nơi mình cư ngụ.
- Bốn là “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”: Đức Giêsu đòi các ông phải chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ.
- Năm mới là công bố Tin mừng: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”: Việc loan báo Tin Mừng Nước Trời là bước cuối cùng sau khi đã thực hiện các bước chuẩn bị nói trên.
Có lẽ chúng ta đã không theo đúng chỉ thị của Đức Giêsu dạy khi đi truyền giáo: ta thường ưu tiên giảng dạy giáo lý, và quên thực hành các việc chuẩn bị nói trên. Vì thế mà việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không thực tế và kém phần hữu hiệu, vì anh em lương dân đã không hồ hởi đón nhận nghe giảng Tin Mừng bao nhiêu.
3. Cuộc đối thoại giữa vị linh mục dòng Tên người Mỹ và vị tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ cho thấy có nhiều cách truyền giáo trong Hội Thánh hôm nay: Vị linh mục dòng Tên đại diện cho cách truyền giáo bằng khả năng tri thức và các phương tiện khoa học kỹ thuật. Nhưng bên cạnh đó, Hội Thánh còn có cách truyền giáo hữu hiệu không kém là sự hiện diện và sống bác ái để làm chứng cho Đức Kitô. Các tu sĩ Tiểu Đệ đã âm thầm sống giữa những người nghèo, chia sẻ sự lao động chân tay cực nhọc với họ. Hội Thánh trân trọng cả hai đường lối truyền giáo nói trên và muốn các tín hữu chúng ta ý thức và thực hiện.
4. Hiện nay cánh đồng truyền giáo thật bao la như lời Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Các nước Á châu chiếm gần hai phần ba dân số trên toàn thế giới, nhưng số người nhận biết Chúa chưa được 3%. Á châu chính là cánh đồng lúa chín đang cần thợ gặt. Vậy mỗi người chúng ta phải ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng để chuyên cần cầu nguyện và quan tâm thực hiện theo đứng chỉ thị của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: Chúng ta phải sống yêu thương hiệp nhất và làm việc bác ái cụ thể noi gương Hội Thánh sơ khai: sống thế nào để những người lương phải bỡ ngỡ giống như người Do Thái xưa đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào !”. Kitô giáo không phải là một lý thuyết nhưng là sức sống của Đức Giêsu. Sống đạo là sống sức sống của Chúa và truyền đạo là truyền sức sống ấy sang cho người mình tiếp xúc.
5. Ngoài ra, để việc loan báo Tin Mừng được hữu hiệu, các tín hữu cần khiêm tốn tiếp thu học tập các ưu điểm của anh em lương dân để không bị thua kém họ. Hội nghị các Giám mục Á châu đã liệt kê một số điều mà các tín hữu cần học hỏi nơi các dân tộc châu Á như: Học tập cách cầu nguyện ăn chay và bố thí của người Hồi giáo. Học tập cách chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học tập sự từ bỏ của cải và tôn trọng sự sống nơi người Phật tử. Học cách xây dựng gia đình và xã hội ổn định trật tự nơi Khổng giáo. Học sống đơn sơ khiêm tốn nơi Lão giáo... Càng học, ta càng nhận ra giáo lý Đức Giêsu tiềm ẩn trong giáo lý các tôn giáo đó và nhờ hiểu biết họ, ta sẽ gây được thiện cảm với họ để dễ dàng giới thiệu Chúa cho họ hơn.
6. Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ đi truyền giáo không dựa vào thế lực tiền bạc vật chất. Nay xin Chúa cũng cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng như người mục tử luôn thao thức đi tìm những con chiên lạc. Cho chúng con biết nói về Chúa với sự xác tín và kèm theo những dấu chỉ tình yêu cụ thể. Xin ban cho chúng con góp phần đẩy lùi văn hóa sự chết là sự dữ, loại trừ bạo lực, bất công và sa đọa ra khỏi môi trường sống. Xin giúp chúng con noi gương mẹ Têrêsa Calcutta: lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần. Xin cho chúng con biết hợp tác với những người thiện chí không cùng niềm tin, để cùng nhau đẩy lùi các tệ nạn xã hội, cùng hợp tác xây dựng một xã hội mới: công bình và nhân ái như ý Chúa muốn.
LM. ĐAN VINH- Hiệp Hội Thánh Mẫu
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.