Hiếu khách, từ bình diện văn hóa - luân lý đến bình diện cứu độ...
Người dân Israel có một truyền thống tốt đẹp, truyền thống hiếu khách. Truyền thống ấy, một cách cụ thể, xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc sống bấp bênh của đời du mục; thêm vào đó, truyền thống hiếu khách là một nhắc nhớ cho dân Israel về những năm phải làm nô lệ bên Ai Cập, rồi thời gian phải lưu đầy như người ngoại kiều tha hương...
Nét đẹp văn hóa của truyền thống này là, thay vì rút ra bài học vớ vẩn, tìm phương cách an toàn bằng thái độ e ngại trước người lạ, người dân Israel đã tạo được một nét văn hóa-luân lý hiếu khách. Từ kinh nghiệm về sự bấp bênh của chính mình, người ta thông cảm cho sự bấp bênh của những người lỡ bước, những người hành trình đường xa, những người cần một nơi an toàn để tạm trú chân.
Chính nơi những kinh nghiệm đời thường và nơi nét văn hóa đời thường ấy của Dân, Thiên Chúa đã bước chân vào lịch sử nhân loại để nâng cấp nét văn hóa đời thường trở thành “văn hóa cứu độ”. Kinh nghiệm lữ khách trở thành một đường nét căn bản của Dân Israel, hành trình về “Đất Hứa”, điều mà chưa bao giờ Dân đạt được trọn vẹn:
“Hôm đó, ĐỨC CHÚA lập giao ước với ông Áp-ram như sau: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát” (St 15,18).
Hành trình ấy cũng là đường nét căn bản của người tín hữu Kitô giáo. Con người từ căn bản là người lữ hành trong dòng lịch sử, lữ hành trên hành trình trần thế, hướng về một quê hương đích thực trên Trời. Thân phận lữ hành của con người, vừa dính vào hành trình trần thế, lại vừa luôn mơ ước đến “trời cao”.
Trên hành trình lữ hành ấy, nét đẹp văn hóa “đón khách đỗ nhà” là một đường nét quan trọng. Abraham đã đón ba người khách, và đó là bước khởi đầu để Thiên Chúa thực hiện Lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Bình diện “văn hóa - luân lý” đã được khai mở nên bình diện mới, bình diện Cứu độ. Cũng thế, Tin Mừng Đức Giêsu loan báo không phải chỉ là những bài học luân lý, “dạy người ta ăn ngay ở lành”, nhưng thiết yếu là mở cánh cửa cứu độ. Đời sống con người không phải là cuộc đấu tranh thảm hại để sống còn, để an ổn, để “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, hoặc để đạt đến một phẩm tính nhân bản cao cả mà thôi..., những thiết yếu là để tìm được “phần tốt nhất”. Matta đã đón Đức Giêsu vào nhà, nhưng Đức Giêsu đã khai mở bình diện cứu độ khi khẳng định “Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Bước vượt qua từ tính thực dụng ích kỷ đến bình diện “văn hóa - luân lý” đã là một bước tiến lớn; nhưng bước từ bình diện “văn hóa luân lý” đến bình diện Cứu độ lại là một bước nhảy vô cùng lớn. Cám dỗ an toàn để ngần ngại trước những kẻ xa lạ đã là điều không dễ vượt qua; cám dỗ an nghỉ trong mức độ luân lý của bản thân càng là điều “không dễ” vượt qua; hoặc đúng hơn là điều không thể vượt qua, nếu chỉ do năng lực tự nhiên của con người. Thái độ “lo lắng nhiều chuyện” của Matta thật sự rất đúng với lẽ phải và rất tốt trong khía cạnh luân lý. Nhưng Đức Giêsu lại muốn rộng mở cửa ngõ vươn lên bình diện cứu độ, Đức Giêsu giới thiệu, mời gọi Matta, mời gọi con người rộng mở cho một hành trình khác. Trên hành trình lữ hành ở trần gian này, con người cần được chính Thiên Chúa như chủ nhà “hiếu khách”, đón rước con người như “khách đỗ nhà”:
“Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39).
Như thế, Ngài hé mở cánh cửa Nước Trời ngay ở trần thế này. Maria được chính Chúa phục vụ, vì cô “đã chọn phần tốt hơn”.
Không phải là bình diện Cứu độ luôn “ngược ngạo” so với bình diện luân lý. Trình thuật Tin Mừng không phải là một chỉ thị thực tế của Đức Giêsu, đừng nấu nước gì cả, hoặc chỉ cần một món đơn giản...; nhưng hàm nghĩa: nhân cơ hội Matta chỉ thấy bình diện văn hóa luân lý, nên Đức Giêsu công bố một ngõ mở vượt lên bình diện Cứu độ. Ý nghĩa Đức Giêsu muốn công bố ở đây khá giống với trường hợp Cậu bé Giêsu nói với Mẹ Maria: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49); hoặc trường hợp ở tiệc cưới Cana: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”; hoặc như khi Đức Giêsu nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37)...
Nội dung điều Đức Giêsu muốn trình bày khác hẳn lập trường dùng luật Chúa để chối bỏ luật luân lý tự nhiên của con người, theo kiểu người Pha-ri-sêu: “Ai nói với cha với mẹ rằng, những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (Mt 15,5-6). Tin Mừng của Chúa luôn là lời mời gọi vượt quá; vượt quá tức là không khinh chê hay loại bỏ, nhưng hoàn tất bằng một cách khác, triệt để và hoàn hảo hơn...
Nẻo đường của ơn Cứu Độ vượt quá nẻo đường luân lý. Biết đâu chừng, trong bầu khí Giáo hội hiện nay, chính những người đạo đức luân lý “đầy mình” lại là những người khó hơn hết, khó buông bỏ để được Chúa dẫn dắt vào bước đường của ơn cứu độ ?
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn – Dòng Đaminh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.