Thứ Ba, 01 Tháng Ba, 2016 14:08

Chúa nhật XVII thường niên (Lc 11:1-13)

Lời Cầu Nguyện của Người Nghèo

Trình thuật sách Sáng Thế trong bài đọc I thật là một câu chuyện thú vị. Dĩ nhiên, trình thuật ấy diễn tả Thiên Chúa theo kiểu nhân-hình mà ta không thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng trình thuật ấy diễn tả rõ nét phẩm tính của đời sống Đức Tin trong truyền thống Do Thái - Kitô giáo, phẩm tính của mối tương giao ngã vị. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một nguyên lý lạnh lùng, không phải là một thứ Thần định mệnh không thể đối thoại, không phải một vị vua độc đoán..., mà là một Đấng chấp nhận “chơi” với con người, dám dấn thân vào mối tương giao ngã vị phức tạp cùng với con người...; và trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa ấy vẫn luôn là Thiên Chúa của lòng từ bi thương xót. Lời cầu nguyện của người tín hữu trong truyền thống Do thái - Kitô giáo chính là bước vào cuộc chơi với một Thiên Chúa như vậy.

Dĩ nhiên, khi người tín hữu cầu nguyện, thì điều nhắm tới không phải là làm sao để thay đổi ý Chúa, mà chính yếu là làm sao để con người có thể thay đổi ý của mình cho phù hợp với ý Chúa... “Bởi vì đường lối của Chúa thì cao hơn đường lối của con người” (Xc. Is 55,8-9); và điều thiết yếu, ý định của Thiên Chúa thật sự còn là tình thương lớn lao, trọn vẹn hơn chính những điều mà con người mơ ước và van xin: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103,11).

Tuy vậy, nếu cùng đích của hành trình Đức Tin có vẻ như “cố định” là: “Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến” (Lc 11, 2-3), thì phương cách, lộ trình đi đến cùng đích ấy vẫn luôn là một mối tương giao ngã vị, có trao đổi qua lại, có nói và có nghe, có xin-được và có xin-vâng: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy...” (Lc 11, 4 tt). Lời cầu nguyện trong truyền thống Do Thái - Kitô giáo không phải là một thứ tự kỷ ám thị, không phải là một phương cách giải tỏa tâm lý, nhưng thiết yếu là sống mối tương giao ngã vị sinh động và chân thực nhất.

Hơn nữa, ngay nơi “cùng đích của hành trình Đức Tin có vẻ như cố định” ấy, thật ra phẩm tính tương giao ngã vị vẫn là nét căn bản, bởi vì ở đây nguyên lý căn bản không phải là sự trao-đổi công bằng cố định, mà là tình thương trao-tặng phong phú do từ một Thiên Chúa ngã vị, có ý muốn yêu thương con người cách tự do.

Cầu nguyện trong truyền thống Do Thái - Kitô giáo là đi vào cuộc chơi của tự do, cuộc chơi trong đẳng cấp trao tặng của tình nghĩa. Cũng như các trình thuật khác của Chúa về việc cầu nguyện (Xc. Lc 18), chúng ta thấy thái độ căn bản của người cầu nguyện là thái độ “dai dẳng và lì lợm”. Người cầu xin không nêu được một lý do gì hỗ trợ cho lời cầu xin cả, người cầu xin chỉ có một phương thức duy nhất “vì anh ta cứ lì ra đó”.

Thái độ “dai dẳng và lì lợm”, kiểu “cố đấm ăn xôi” có vẻ không đẹp trong tương quan con người với nhau, vì não trạng của con người khó vượt quá được bình diện luân lý. “Dai dẳng và lì lợm” thật sự lại là thái độ chân thật nhất của con người trong tương quan với Thiên Chúa, thái độ của người nghèo.

Trong Cựu Ước, ta đã thấy Dân Riêng của Chúa, một Dân được Thiên Chúa tuyển lựa, không vì lý do nào khác hơn là tình thương tặng-không của Chúa:

“ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Dnl 7,7).

Thế nhưng, vì Giao Ước Cũ là giao ước được ký kết với một Dân chứ chưa tính đến hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân; mức độ đạo đức được xác định dựa theo một bộ luật chung, nên những người ưu tuyển trong Dân đã biến đời sống Đức Tin thành một cuộc thi tuyển, dựa vào tiêu chuẩn xứng đáng hơn, vì giữ được lề luật kỹ lưỡng hơn... Trong bầu không khí ấy, những người biệt phát, luật sĩ và những người Sa Đốc quên đi nền tảng đích thực của mình, nền tảng là người nghèo của Thiên Chúa:

“Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18 11-12).

Với Đức Giêsu, cánh cửa Nước Trời chính là thái độ “nghèo”. Trong Mầu nhiệm Nước Trời, nghèo trước tiên hết chính là đặt mình ở nơi tình trạng chân thực nhất của con người, con người là hư vô, được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ hoàn toàn do tình thương tặng-không của Ngài. Cánh cửa Nước Trời chỉ được mở ra với những ai đứng “đúng vị trí” của mình, vị trí của người nghèo trước mặt Chúa.

Như thế, ta hiểu rằng, để bước vào Nước Trời, lời cầu nguyện căn bản nhất của con người chính là cầu nguyện của người nghèo, lời cầu nguyện van xin lòng thương xót với tất cả sự dai dẳng và lì lợm, như anh mù Ba-ti-mê: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47); như hai anh mù kia: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9,27); như người cha của cháu bé bị bệnh kinh phong: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước...” (Mt 17,15); như người đàn bà Ca-na-an: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15,22); như người thu thuế tội lỗi lên đền thờ cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)...

Khi người ta quên mất nền tảng ấy, đạo cứu độ của Thiên Chúa bị biến chất thành “đạo luân lý”; và đó vẫn là cám dỗ muôn đời của nhân loại, ngay trong đời sống Giáo hội hiện nay.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn – Dòng Đaminh

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm