NGHỊCH LÝ CỦA LÒNG TIN
Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn dân gian: “Ăn khế trả vàng” nói về người em may túi ba gang để đựng vàng theo lời chim dặn, còn người anh may túi chín gang, và hậu quả là con chim không cõng nỗi người anh và khối lượng tham lam anh ta mang theo nên cả người lẫn của đều rơi tỏm xuống biển.
Lời Chúa hôm nay nói về thái độ từ bỏ một cách triệt để: “Ai muốn theo tôi, phải từ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Tuy nhiên trong cuộc sống luôn có những éo le. Tông đồ Phêrô chẳng hạn, mặc dù đã đứng đầu về bài trắc nghiệm “người ta nói Thầy là ai”, Phêrô đã trả lời vanh vách và chính xác: “ Thầy là Đấng Kitô” nhưng ngay sau đó Chúa đã trách mắng vì dám can ngăn Chúa đừng lên Giêrusalem thực thi vai trò Đấng Cứu Thế: “ ... vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng cuả Thiên Chúa, mà là của loài người”. Đúng là một nghịch lý của lòng tin giữa lời tuyên xưng và cuộc sống. Lòng tin đòi hỏi từ bỏ liên lỉ.
Bài đọc tiên tri Isaia hôm nay cũng trình bày một nghịch lý đó, chấp nhận thua thiệt vì tin có Chúa phù trợ. Phêrô chưa hiểu một cách sâu xa về vai trò của Đấng Kitô nên đã có ý nghĩ sai lầm về hành trình cứu độ của Ngài. Cũng may mà Chúa vận dụng bài học đó làm kim chỉ nam cho các môn đệ và cho mọi người. Nhờ vậy, chúng ta hiểu hơn về bài giáo lý trong thư Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Trong cuộc sống hôm nay, người ta xem ra khó từ bỏ. Nhiều thanh thiếu niên đã được sự cảnh báo không sử dụng ma tuý dù chỉ là một lần, nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ như con thiêu thân sa đà vào những chất nghiện ghê gớm này. Đã nhiều năm xã hội phát động “năm an toàn giao thông”, dù cũng đã có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên một thói quen thích làm anh hùng xa lộ, tay lái lụa, đã khiến nhiều thanh thiếu niêntrở nên những hung thần trên đường phố và mỗi năm số người bị tai nạn giao thông không nhỏ. Đôi lúc, chính mỗi người cũng lại ham hố cái này cái kia, nhất là tiền bạc, quyền lực và tình cảm, dù đã có những lời khuyên từ Phúc âm. Quả thật, từ bỏ là một điều phải cố gắng mỗi ngày và thường xuyên, nếu không, chính mỗi người sẽ bị Chúa trách mắng như tông đồ Phêrô xưa.
Từ bỏ có dễ không? Không dễ chút nào! Nếu bị lệ thuộc, khó mà thanh thoát được. Trong giai thoại thiền, có kể laị câu chuyện, khi thiền phải cố gắng tập chú, đọc một câu công án; nếu chưa quen có thể tập chú vào điểm sáng của cây hương đang đốt và làm chủ hơi thở. Có một học trò đang tập thiền rất tốt nhưng lại thấy cái phướn ở mái hiên nó đong đưa, nên cậu bèn thưa với vị thầy đang giúp rằng cái phướn nó động đậy, nhưng vị thầy lại nói tâm động hay phướn động?
Vâng, muốn từ bỏ phải tập cho cái tâm ngay. Cái phướn có thể đong đưa trước gió, nhưng tâm mình không động, thì phướn bay có sao đâu. Của cải, quyền lực, danh vọng, tình cảm là cái vốn có cuả cuộc sống nhân loại. Nhưng giữ cho tâm không bị xao xuyến vì nó phải là hành động mãi mãi trong đời sống của mỗi tín hữu. Điều Chúa nói hãy vác thập giá mình mổi ngày mà theo Chúa quả là chí lý.
Có một thanh niên gặp tôi nói rằng: “Thưa cha, thời buổi này không có tiền mà nói giữ mình trong sạch khó lắm”. Tôi cũng ngạc nhiên hỏi lại, anh trả lời cuộc sống bây giờ là tiền mà túi không có tiền thì cái đầu làm sao yên được. Suy nghĩ này cũng khá là phổ biến. Từ bỏ cái tôi chủ quan, hàm hồ, ích kỷ, vụ lợi bản thân không hề dễ dàng.
Để đi theo Chúa mãi mãi, phải biết rừ bỏ cái tôi. Vậy tôi có dám bỏ cái tôi cuả mình và giữ cái tâm không động trong cuộc sống đầy đong đưa này hay không?
Lạy Chúa, chúng con thấy từ bỏ chả dễ chút nào. Xin cho chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa và không quản ngại vững bước theo chân Ngài, bất chấp những nghịch lý xảy ra trong cuộc sống. Amen.
Lm Đa Minh Nguyễn Đức Trung, chánh xứ Bến Sắn GP Phú Cường
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.