Chủ Nhật, 11 Tháng Giêng, 2015 15:17

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Bđ I : Is 55,1-11
Bđ II : 1 Ga 5,1-9
TM : Mc 1,7-11

Mùa Giáng Sinh vừa khép lại, kỳ nghỉ lễ cũng kết thúc, cuộc sống trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Phụng vụ bước vào một giai đoạn mới với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lễ này đánh dấu sự khai mạc đời công khai và sứ vụ cứu thế của Ngài. Thủ tục trước tiên là phải giới thiệu Ngài cho mọi người được biết, vì suốt 30 năm trước đó, Ngài sống ẩn dật tại Nadarét, ít ai biết Ngài. Làm sao nhận diện được Ngài, Đấng Cứu Thế ? Thời bây giờ thì có nhiều cách lắm, nào là hình ảnh, các thứ giấy tờ tùy thân như lý lịch, chứng minh thư, hộ khẩu, hộ chiếu, dấu vân tay, mã số điện tử, xét nghiệm ADN... Thời Chúa Giêsu thì chưa có những thứ này, nhưng Lời Chúa sẽ cho ta nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế nhờ vào các nhân chứng và dấu chứng, để rồi tới lượt chúng ta sẽ làm gì chứng cho Chúa.

1. Những nhân chứng giới thiệu Chúa Giêsu

Chúa Giêsu được nhiều nhân chứng giới thiệu. Trước hết là Gioan Tẩy Giả. Khi ấy, ông đang làm phép rửa tại sông Giođan. Đông đảo người đến với ông xin được rửa để tỏ lòng sám hối. Chúa Giêsu đi lẫn vào giữa họ, chẳng ai nhận ra Ngài. Gioan đã lên tiếng giới thiệu cũng như làm chứng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Sau này, ông còn giơ tay chỉ thẳng vào Chúa Giêsu và nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian”. Gioan thật chân thành ngay thẳng, ông nói rõ, không úp mở, không muốn người khác bị lầm tưởng. Chứng của ông là chứng thật.

Chúng ta vẫn nhận chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa làm chứng về Con của Người” (1Ga 5,9). Vâng, chính Thiên Chúa cũng thân hành xuất hiện để giới thiệu và làm chứng Đấng Cứu Thế. Khi Chúa Giêsu “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Chưa bao giờ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đã tỏ mình cho nhân loại như lúc này. Bao nhiêu người có mặt lúc đó tại giòng sông Giođan đã nghe được lời phán từ trên cao; và cũng giữa bao người đó, chim bồ câu đã đỗ xuống đúng con người của Đức Giêsu.

Chúa Cha chứng nhận Chúa Giêsu là người Con yêu dấu và đẹp lòng Ngài. Điều gì khiến Chúa Cha hài lòng về Con Ngài như thế ? Thưa, vì Chúa Giêsu luôn làm theo ý Chúa Cha. Chính Người khẳng định điều này nhiều lần : "Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Ðấng đã sai Ta" ( Ga 6, 38) ; "Lương thực của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người" (Ga 4, 34).

Còn Chúa Thánh Thần thì làm chứng rằng Đức Giêsu chính là Đấng được xức dầu - Giêsu Kitô -, khiến ta nhớ lại lời ngôn sứ Isaia viết cách đó 600 năm, và đã được Chúa Giêsu đọc lại đoạn này trong một lần Ngài vào hội đường : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, và Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó...” (Is 61,1-3 ; Lc 4,18).

Có thể nói thêm rằng không chỉ Thiên Chúa và con người làm chứng, mà cả thiên nhiên vạn vật cũng hòa điệu vào việc làm chứng, qua sự kiện các tầng trời mở ra, và chim bồ câu đậu xuống trên Chúa Giêsu.

Trước những chứng từ này, mỗi người chúng ta phải có thái độ nào ?

2. Hãy tin mến và làm theo ý Chúa ...

Thánh Gioan tông đồ, một trong bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, đã quả quyết : “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống..., chúng tôi đã thấy và làm chứng” (1 Ga 1,1.3). Bài đọc II nhấn mạnh đến đức tin đặt vào Chúa Giêsu : “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra... Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ?” (1 Ga 5,1.5).

Tin dẫn đến yêu mến Chúa và thực hành thánh ý Ngài : “Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa, đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người”. 

Phải nhận rằng thánh ý Chúa khác với ý của con người, nên không dễ thực hành. Nó đòi chúng ta phải có niềm tin vững mạnh và lòng mến sắt son mới có thể chấp nhận thánh ý Chúa và làm theo : “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Tin mến Chúa tất nhiên sẽ dẫn con người đến với Chúa, qui phục Ngài. Bài đọc I cho ta nghe những lời mời gọi tha thiết nhất của Chúa : “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây ! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng... không phải trả đồng nào ! Hãy chăm chú nghe Ta, hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55,1.3).

3. ... và làm chứng cho Ngài

Bí tích Rửa tội thánh hiến chúng ta làm con cái Chúa và đồng thời trao cho ta sứ mạng giới thiệu và làm chứng cho Chúa. Trải qua giòng lịch sử Hội Thánh, biết bao người đã thi hành sứ mạng này cách tuyệt vời, nhờ đó mà Tin Mừng cứu độ được lan rộng khắp thế giới. Có người còn mạnh dạn lấy mạng sống để làm chứng nữa, như các thánh tử đạo Việt Nam cha ông của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô từ khi lãnh đạo Giáo Hội, đã không ngừng nhắc nhở sứ mạng truyền giáo cho thế giới hôm nay, một thế giới muốn loại trừ, chối từ Thiên Chúa. Những lời nói mạnh mẽ của ngài cho thấy một thực trạng trong Giáo Hội, là chính con cái Chúa cũng dửng dưng trước sứ mệnh này. Ngài kêu gọi Hội Thánh đứng dậy, không ngồi lì, ra đi, đến tận vùng ngoại biên, nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm, đủ loại, để xoa dịu, chữa lành, đưa dẫn họ đến với Chúa, hưởng tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài. Chúa Giêsu đã đi trước mở đường, nay Ngài trao lại cho chúng ta sứ mạng ấy.

Tôi xin kể một câu chuyện đơn sơ : Bây giờ vẫn có nhiều người đeo thánh giá nơi tai, nơi cổ, nhưng như một món đồ trang sức, lắm khi bằng chất liệu đắt tiền. Họ hoàn toàn không ý thức đó là dấu chỉ thánh thiêng của kitô giáo, biểu thị họ thuộc về Hội Thánh Chúa. Thế còn nơi người anh em H’Mông chất phác ít học quê mùa, tôi thấy họ đeo nơi cổ chuỗi tràng hạt bằng nhựa rẻ tiền, đeo ngày đêm, đi đâu cũng đeo. Tôi hỏi lý do, họ trả lời : “Mình là người tin Chúa, mình đeo để mọi người biết mình là người có Chúa”. Câu trả lời đơn sơ, vừa biểu dương đức tin, vừa cho thấy ý thức giới thiệu đạo Chúa, làm chứng cho Chúa.

Chúng ta vẫn hát vang : “Này Đức Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Này Đức Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi, Ngài sai tôi đi. Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, đem Tin Mừng giải thoát : Thiên Chúa đã cứu tôi”... Ước gì chúng ta không chỉ hát, mà còn sống chứng tá đức tin, trong ý thức muốn giới thiệu và làm chứng cho Chúa trong cuộc đời, trên mọi nẻo đường, với bất kỳ ai mà Chúa đặt để gặp gỡ ta.

ĐGM. Anphong Nguyễn Hữu Long, Phụ tá GP. Hưng Hóa

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm