(Lễ nhớ ngày 29.7)
Ngày nay, khi nói đến Thánh Mácta, nhiều người thường nhớ đến câu chuyện hai chị em bà Mácta và Maria đón tiếp Đức Giêsu: Maria trò chuyện với Đức Giêsu, còn Mácta cặm cụi việc bếp núc. Câu chuyện của hai chị em Mácta và Maria gợi lên cách sống đạo liên quan mật thiết với nhau, đó là làm và lắng nghe Lời Chúa. Cũng từ việc bếp núc, Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.
Trong Tân Ước, ngoài Đức Mẹ Maria, có bốn phụ nữ là bà Êlisabét, chị em Maria và Mácta, và cô Maria Mađalêna là những mẫu gương của các nhân đức, như đức tin, sự khiêm tốn, phục vụ và yêu thương, cũng như hiện thân của một tương quan sống động với Thiên Chúa hằng sống.
Mácta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu, sáu ngày trước lễ Vượt Qua.
![]() |
Maria, em của cô, thì ngồi dưới chân Đức Giêsu mà chăm chú lắng nghe |
Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Những trình thuật trong Phúc Âm cho thấy Thánh Mácta là người nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (x. Lc 10,38-42) và tín thác vào Ngài trước cái chết của Lagiarô (x. Ga 11,1-44).
Trong cuộc đón tiếp Đức Giêsu, Maria và Mácta trở thành mẫu gương về đời sống hoạt động và chiêm niệm mà nhiều người ngày nay trực diện với nó. Luca 10, 38-42 thuật lại cuộc thăm viếng của Đức Giêsu tại nhà của họ. Cô Mácta “đã đón tiếp Người vào nhà mình” (Lc 10,38) và bắt đầu chuẩn bị cho bữa ăn. Trong khi đó, Maria, em của cô, thì ngồi dưới chân Đức Giêsu mà chăm chú lắng nghe. Bực tức do không được cô em giúp đỡ, cô Mácta yêu cầu Đức Giêsu bảo cô Maria giúp mình. Ắt hẳn cô Mácta hoàn toàn đoan chắc rằng Đức Giêsu sẽ đồng ý với cô một lời cầu xin hợp lý như thế. Đức Giêsu trả lời : “Mácta, Mácta, con băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá; chỉ có một điều cần, Maria đã chọn phần tốt, phần ấy sẽ không ai có thể lấy khỏi cô ấy” (Lc 10,41-42).
Những lời Đức Giêsu chắc chắn khó hiểu đối với Mácta. Phải chăng điều này có nghĩa là Mácta không nên bận tâm tới việc chăm sóc Đức Giêsu ? Các nhà chú giải đề ra hai điểm: Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng Ngài thức tỉnh Mácta về nguy hiểm mà cô đang lao vào, đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói. Việc lắng nghe có ưu tiên hơn “vì con người không chỉ sống bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy” (Mt 4,4).
Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.