Thánh Rôbertô Bellarminô (Robert Bellarmine) đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 16, và những năm đầu của thế kỷ sau đó. Ngài phải nghiên cứu và cho ý kiến về những vấn đề lớn trong đời sống Hội Thánh ở một giai đoạn khó khăn và phức tạp, như quyền của Đức Thánh Cha trong lãnh vực chính trị, vụ án Galileô thời danh, tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, vấn đề giáo hội quốc gia tự trị... Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong chân phước cho ngài vào năm 1923, rồi phong hiển thánh vào năm 1930, sau đó đã công bố ngài là một vị tiến sĩ của Giáo hội năm 1931.
![]() |
Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4.10.1542, ở Montepulciano, miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nghèo nhưng đạo hạnh. Ngài được giáo dục tuyệt hảo về các khoa nhân bản trước khi vào dòng Tên ngày 20.9.1560. Ngài được thụ phong linh mục ngày 25.3.1570 và làm giáo sư thần học mấy năm ở Leuven. Sau đó, ngài được gọi về Rôma làm giáo sư ở Học viện Rôma, được ủy thác công việc hộ giáo, trong bối cảnh từ Giáo hội nảy sinh Phong trào Cải cách.
Ngày 3.3.1599, ngài được Đức Giáo Hoàng Clemente VIII phong Hồng y, và vào ngày 18.3.1602, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục ở Capua. Trong thời gian ở Vatican, Thánh Rôbertô Bellarminô đã là thành viên của các Bộ Tín lý Đức tin, Bộ Thư Mục, Bộ Lễ nghi, Bộ Giám mục và Bộ Truyền bá Đức Tin.
Các tác phẩm của ngài như bộ “Controversiae - Luận giải”; “Tín lý Kitô giáo”; “De Ascensione Mentis in Deum -Tâm trí vươn lên cùng Thiên Chúa”; “De Arte Bene Moriendi - Nghệ thuật chết lành”... là những đóng góp cho việc học hỏi về Giáo hội, tu đức...
Bên cạnh gia tài tri thức để lại cho Giáo hội, Thánh Rôbertô Bellarminô cũng lưu lại hình ảnh một mục tử gần gũi đoàn chiên. Trong 3 năm làm giám mục coi sóc giáo phận, ngài nổi bật về nhiệt tình giảng dạy, về những chuyến viếng thăm hằng tuần đến các giáo xứ. Sau đó, trong khi sống ở Vatican, Hồng y Bellarminô không thua gì các nhà tu khổ hạnh. Ngài giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa, chỉ còn những gì thật cần thiết, ngài ăn các thực phẩm dành cho người nghèo, dùng các màn cửa trong dinh cơ của ngài để may quần áo cho người nghèo, vì theo ngài “Các vách tường không thể bị cảm lạnh”.
Vào những ngày cuối đời, thánh nhân được Đức Thánh Cha cho phép sống tại dòng Tên, ngài đã chọn sống trong nhà tập với các tập sinh là những người nhỏ nhất trong dòng. Ngài từ chối mọi ưu đãi dành cho người lớn tuổi và có phẩm chức.
Ngài qua đời tại Rôma ngày 17.9.1621. Theo di chúc, ngài xin được chôn cất trong lễ phục của linh mục, và tổ chức lễ an táng đơn sơ như một người bé nhất trong dòng. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha bắt phải cho ngài mặc phẩm phục hồng y và tổ chức tang lễ thật long trọng.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.