Liên Hiệp Quốc “lắng nghe” Laudato Si’
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza cho biết Thông điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô đã gây ảnh hưởng tích cực tại Liên Hiệp Quốc. Trả lời phỏng vấn Đài Vatican hôm 13.8, Đức Tổng Giám mục Auza nói Thông điệp của Đức Thánh Cha về việc bảo vệ môi trường đã được rất nhiều phái đoàn tại Liên Hiệp Quốc trích dẫn trong các cuộc thảo luận gần đây về chương trình hành động sau năm 2015 liên quan đến sự phát triển dài hạn. Nhiều người đã đọc và bày tỏ sự đồng ý với Thông điệp qua việc trích dẫn những đoạn dài. Từ phần phát biểu của đại diện nhiều nước, nhất là các quốc gia đang phát triển, Đức Cha Auza nhận thấy họ ngày càng nhận thức về kinh tế một cách toàn diện hơn, như Đức Thánh Cha đã kêu gọi. Theo Đức Phanxicô, các nước cần phát triển một nền kinh tế quan tâm hơn đến người nghèo, đến việc bảo vệ môi trường, không nên chỉ dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây cũng là tinh thần mà Liên Hiệp Quốc muốn đặt làm trọng tâm cho chương trình hành động về phát triển bền vững cho đến năm 2030.
Đức cha Flaviano Michele Melki sắp được phong chân phước
Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Đức cha Melki đã được công bố hôm 8.8 tại Vatican.
Đức cha Flaviano Michele Melki, tục danh là Giacôbê, sinh năm 1858 ở Kalaat Mara (Thổ Nhĩ Kỳ) thuộc Huynh đoàn thánh Ephrem của Giáo hội Công giáo Siriac, bị sát hại vì đức tin ngày 29.8.1915, tại Djézireh, nơi ngài làm giám mục. Trong cuộc bách hại dưới thời đế quốc Ottoman, Đức cha đã giữ một vai trò chủ yếu trong việc khuyến khích các tín hữu bảo tồn đức tin của mình trong hoàn cảnh khó khăn và bị bách hại thời ấy. Ngài sống rất thanh bần, bán cả các áo lễ của mình để giúp đỡ người nghèo thoát khỏi tình trạng lầm than. Với những kẻ tìm cách dụ dỗ ngài theo Hồi giáo, Đức cha Melki trả lời: “Tôi bảo vệ đức tin của tôi đến độ đổ máu đào!”.
Cha Rami Al-Kabala, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức cha Melki, nhận xét: “100 năm sau khi Đức cha Melki bị sát hại, các tín hữu Kitô Trung Đông đang phải chịu cuộc bách hại tương tự, tuy với những cách thức khác. Vì thế, cuộc tử đạo của Đức cha Melki khích lệ các tín hữu Kitô Đông phương ngày nay bảo vệ đức tin và sống đức tin không chút sợ hãi, dù gặp khó khăn. Việc phong chân phước cho Đức cha Melki có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh ngày nay. Hình ảnh vị tử đạo không chết, nhưng tiếp tục sống trong Giáo hội, trong ký ức của các tín hữu”.
Ngày cầu nguyện cho thiên nhiên
Đức Thánh Cha Phanxicô vừa thiết lập Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên vì thiên nhiên là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Sự kiện này sẽ được cử hành vào ngày 1.9 hằng năm, như lâu nay ở Giáo hội Chính Thống.
Ngài thông báo quyết định trên trong thư ngày 6.8 gởi đến Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô. Thư được công bố hôm 10.8 tại Vatican. Đức Thánh Cha cho biết ngài chia sẻ mối quan tâm và đồng ý với đề xuất của Đức Thượng Phụ đại kết Chính Thống giáo Bartôlômêô I về việc bảo tồn môi trường thiên nhiên - công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Trong thư, Đức Phanxicô nhận xét: “Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên mang lại cho các tín hữu và cộng đoàn cơ hội quý giá để thể hiện lại sự gắn bó với ơn gọi làm người bảo vệ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để cảm tạ Thiên Chúa vì công trình kỳ diệu mà Người ủy thác cho chúng ta chăm sóc, đồng thời cầu xin ơn phù trợ của Chúa cho việc bảo tồn thiên nhiên và xin Người thương xót vì những tội đã phạm chống lại thế giới chúng ta đang sống. Việc cử hành ngày này cùng với Giáo hội Chính Thống sẽ là một cơ hội thuận lợi để làm chứng về tình hiệp thông ngày càng gia tăng của chúng ta với các anh chị em Chính Thống”.
Những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn
Ngày 3.8, Đức Hồng y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tuyên bố rằng Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10.2015 cần tìm những con đường mục vụ giúp những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn: “Thượng HĐGM thế giới sắp tới về gia đình cần tìm được những con đường mục vụ để giúp những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn hội nhập mạnh mẽ hơn vào Giáo hội, mà không hề coi nhẹ lời Chúa Giêsu và giáo huấn của Hội Thánh”. Đức Hồng y đặc biệt ám chỉ những người ly dị tái hôn dân sự và những người sống chung không kết hôn.
Bình luận