Linh mục là người lãnh đạo cộng đoàn. Lãnh đạo là “Làm cho người khác lớn lên”[1]. Lãnh đạo theo Kitô giáo, luôn đi liền với hai hình ảnh: Moisê, người đầy tớ; Chúa Giêsu, người phục vụ. Lãnh đạo còn là “Ảnh hưởng. Ðổi mới. Thay đổi”. Thay đổi đúng ý Chúa và mưu ích cho con người[2]. Trước hết là thay đổi bản thân. Thứ đến là ước muốn những người theo mình được đổi thay. Sau cùng là ước muốn đối diện với những vấn đề đổi mới”[3]. Á Ðông có phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lấy điều không đổi, thích ứng với mọi chuyển biến. Chúng ta không bao giờ được thay đổi đạo lý, vì đạo lý đến từ Lời Chúa và là Sự Thật đời đời. Ðó là dĩ bất biến, lấy điều không biến trước muôn vàn đổi biến.
Như thế, khi nói về linh mục - người lãnh đạo cộng đoàn thời nay, tôi chia sẻ đôi chút suy nghĩ về những góc cạnh linh mục trong sứ vụ của Giáo hội.
Linh mục thời Giáo hội sơ khai
Trước hết, họ là những người rất biết sợ[4]. Tuy nhiên, sách Châm Ngôn dạy: “Khởi đầu sự khôn ngoan là biết kính sợ Thiên Chúa” (x. Cn 9,10). Kính sợ là dấu hiệu đầu tiên của người khôn ngoan. Như thế, sợ không phải là sợ hãi mà là sợ khôn. Người khôn mới biết sợ, sợ mà khôn, nên cũng rất khiêm nhường. Các linh mục chân truyền nhát sợ, vì khiêm tốn và khôn ngoan. Các ngài luôn biết mình nhỏ bé, yếu đuối, nên đoàn tụ, nương tựa vào nhau, quây quần, cùng nhau cầu nguyện, bên cạnh có Mẹ Maria. Kiên trì chờ đúng thời điểm, vào ngày lễ Ngũ tuần, các ngài đón nhận Thánh Thần qua 2 biểu tượng: “Lửa và Gió”. Lửa chỉ tình yêu, gió chỉ sự đổi mới. Các ngài được Tình yêu biến đổi mọi sự trong ngoài. Lập tức, quyết đoán, khôn ngoan, mạnh dạn, mở toang cửa, can trường dấn thân, tiến về phía trước. Nhân danh Ðức Giêsu, người Nazareth, trao ban niềm hy vọng, khiến mọi người phấn khởi tiến lên phía trước, vào đền thờ ca tụng Thiên Chúa (Cv 2,1-4; 3,1-10). Ra đúng lúc, nói và hành động đúng thời điểm, thì 100 phần trăm là do ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Hơn thế, họ “sợ vì khôn ngoan”. Nên khi cầu nguyện, họ đã vào phòng đóng cửa lại, rất kín đáo. Mà kín đáo mới là đạo đức, ứng với lời Chúa dạy: “Khi các ngươi cầu nguyện, ăn chay, làm phúc hãy làm kín đáo vì Cha các con ở trên trời, nơi kín đáo, thấu suốt những gì kín đáo, sẽ ban thưởng, trả công cho các ngươi (x. Mt 6,1-6.16-18). Khi rao giảng, các ngài chỉ nhân danh Ðức Giêsu Kitô, và để Chúa Kitô thực hiện. Vì thế, các ngài không có gì mà để tự hào, phô trương cả.
Ðặc biệt, đức Tin lúc bấy giờ là rất xác tín, rất tươi và sống động, lại cũng rất bản thân cá vị, mà lại cũng rất mực khiêm nhường (Mt 23,8-12). Từ Phêrô cho tới các vị khác, từng người một, tất cả đều không dám ồn ào, phô trương, như những hạng đạo đức giả, đạo hình thức mà Chúa đã trách cứ, nguyền rủa (Mt 23,5).
Tóm lại, linh mục chân truyền của Chúa Kitô là người biết sợ vì khiêm tốn và khôn ngoan. Các vị biết kín đáo cùng với Mẹ Maria cầu nguyện mà đón nhận Thánh Thần. Các vị có sức mạnh tình yêu biến đổi và phục vụ cách nhưng không, chỉ nhân danh Ðức Giêsu, người Nazareth. Có thể tạm gói gọn trong ba từ, gọi tắt là “Tam K” cho dễ nhớ: “Khôn, Khiêm, Kín”[5]. Linh mục đúng, thật của Chúa Kitô và của Giáo hội, ít nhiều là những người như thế.
Linh mục thời nay
Thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19. Nhưng thực ra, cơn đại dịch tinh thần và tâm linh đáng sợ hơn nhiều. Trong cuốn Tiểu sử Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI [6], Peter Seewald - tác giả cuốn sách nhắc lời Ðức Bênêđictô XVI khẳng định hiện nay quyền lực quỷ vương đe dọa Giáo hội. Xã hội ngày nayđang ưa chuộng một thứ “Kinh Tin Kính” chống Kitô giáo. Do đó, cần phải có sự trợ lực của “Lời cầu nguyện để Giáo hội hoàn vũ có thế chống lại quyền lực ấy”. Ðức Bênêđictô XVI nhận định rằng, những đe dọa thực sự đối với Giáo hội và sứ vụ Phêrô đến từ những ý thức hệ duy nhân bản trên thế giới. Sự lừa đảo tột độ về tôn giáo là sự lừa đảo của quỷ vương, một thứ chủ thuyết “ngụy Cứu Thế”, qua đó con người tự tôn vinh mình thay vì Thiên Chúa và Ðấng Cứu Thế đã nhập thể làm người. Ðức TGM Fulton Sheen, năm 1947,đã mô tả ngụy Kitô hay quỷ vương như một “Nhà đại nhân đạo”. Chúa đã cảnh giác chúng ta: Quỷ vương sẽrất giống Ngài, đến độ nó đánh lừa được cả những ngườiđược tuyển chọn. Quỷ vương sẽ đội lốt “Nhà đại nhân đạo”, nói về hòa bình, thịnh vượng và đời sống sung mãn. Nó sẽ viết những cuốn sách trình bày ý tưởng mới về Thiên Chúa để thích ứng với lối sống của dân chúng. Nó sẽ đồng hóa sự bao dung với thái độ dửng dưng đối với điều phải và điều trái”.
Những thứ đe dọa trên cũng là những thử thách cho linh mục thời nay.
Thánh Thể và Chúa Thánh Thần
Thế kỷ XX là thế kỷ của khoa học. Nhưng khoa học không giải quyết được hết những vấn đề cho loài người, như nhiều loại hình đau khổ và những dịch bệnh. Vì thế, các nhà trí thức đã xác tín tuyên bố: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh”[7]. Tâm linh, theo Kitô giáo, là “đời sống nội tâm”, có nghĩa là đời sống kết hiệp với Chúa, Ðấng ngự trong thâm tâm cõi lòng ta. Cần phải dẹp tắt những ồn ào xáo trộn thì mới có thể tâm sự với Ngài[8]. Tâm linh còn được hiểu là Thánh Linh. Thánh Linh thánh hóa con người. Thời Giáo hội sơ khai, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần biến Giáo hội sơ khai trở thành Giáo hội Phục Sinh, loan báo “Tin Mừng Hy Vọng”.
Kinh nghiệm của một nhà truyền giáo Mỹ chia sẻ: “Nếu linh mục giảng mà không có Chúa Thánh Thần[9], giáo dân ở nhà ngủ tốt hơn. Giả sử giáo xứ không có Chúa Thánh Thần, đóng cửa nhà thờ, làm một cây thánh giá lớn, màu đen, để trước cửa nhà thờ, ai đi qua cũng phải cúi đầu tỏ lòng sám hối, và xin Chúa thương xót. Còn giáo dân thiếu Chúa Thánh Thần thì sao? Họ giống như những cành cây khô, không còn sinh hoa kết quả, chỉ còn chặt đi, bỏ vào lò”.
Ðể có Chúa Thánh Thần, trước hết, theo gương hai thánh thời nay: thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và thánh Têrêsa Calcutta. Cả hai đều chọn lựa giải pháp chầu Thánh Thể. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chầu từ 7 tới 8 giờ trong ngày. Năm 1991, ngài lập Hội Giáo dân chầu Thánh Thể, mục đích cầu xin và mong ước toàn thể các nhà thờ Công giáo chầu Thánh Thể. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta cũng chầu từ 1 tới 3 giờ/ngày. Mẹ nài xin Ðức Mẹ chí thánh soi lòng cho các linh mục trên toàn thế giới hãy mở cửa nhà chầu, chầu Thánh Thể. Các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ buộc chầu Thánh Thể 1 giờ/ngày, trước khi hoạt động, phục vụ. Mẹ Têrêsa Calcutta xin giáo dân Mỹ, những ai muốn giúp Mẹ, không phải tiền bạc, mà chỉ cần chầu một tiếng mỗi tuần, ngồi thinh lặng trước Thánh Thể[10]. Thứ đến là yêu mến Giáo hội, cách trưởng thành và trí tuệ: “Ai càng yêu mến Giáo hội càng có Chúa Thánh Thần”[11]. Một Giáo hội thánh thiện, bao gồm cả những người tội lỗi. Có được cái nhìn cân bằng và sống cân bằng là cả một khoa học và nghệ thuật[12], và được như thế, là do hoa trái khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Kết luận
Như thế, linh mục chân truyền và hiện đại, trước hết là người gắn bó mật thiết với Chúa Kitô đang sống, năng thinh lặng trước Thánh Thể. Rồi sau đó, đón nhận Thánh Thần, vì chính Chúa Giêsu hứa sai Thánh Thần. Thánh Thần là Thầy dạy duy nhất và là Ðấng làm cho mỗi người nên thánh.
Thứ đến, yêu Dân Chúa. Linh mục phải nhận thức giáo dân cũng có chức linh mục phổ quát. Họ là Giáo hội, làm nên Giáo hội và là linh hồn của thế giới. Từ đó, linh mục chú tâm đào luyện giáo dân trở thành Kitô hữu trưởng thành. Vào thời thánh Giáo hoàng Piô X, linh mục được đánh giá cao, và được cử đến phục vụ tại những giáo xứ lớn, trung tâm, trục chính, bởi đó là những linh mục có khả năng đào luyện giáo dân trưởng thành.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
__________________________________
1. George Barna, Leader on Leadership, CA, 1997, 128-129
2. Ibid., 199-211.
3. Elmer L.Towns nhận định.
4. Sợ: Kính sợ Thiên Chúa và ưu phẩm “Chân, Thiện, Mỹ” của Ngài.
5. Kinh nghiệm người có đời sống nội tâm cao thì đều là những người có Ðức Tin - Cá vị. biết sợ - khôn, và trở nên khiêm nhường, kín đáo, không bao giờ khờ khạo mà phô trương, chỉ có lợi cho ma quỷ và là mồi cho sự ghen tuông.
6. Peter Seewald, Tiểu sử Ðức Giáo hoàng Bênêđictô XVI - Một cuộc sống, 4.5.2020. Nguồn:vaticannews.va/vi
7. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP, Bài thuyết trình tại khóa thường huấn dành cho tu sĩphụ trách huấn luyệnvàphụ trách cộng đoàn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM 15.9.2016
8. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP, Bài thuyết trình tại khóa thường huấn dành cho tu sĩphụ trách huấn luyệnvàphụ trách cộng đoàn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM 15.9.2016
9. Không có Lửa và Gió, tức là không có Tình Yêu và sức sống mới. Ca sĩ hát có hồn, là có bốc lửa và có sức sống.
10. Giáo dân Mỹ thường chỉ đi lễ ngày Chúa nhật, mỗi tuần một lần: “Mẹ chỉ xin 1 giờ/ 1 tuần”. Việt Nam thì có lẽ cần nhiều hơn.
11. Thánh Augustino, Công đồng Vat. II, ÐT 9: “Ai càng yêu mến Giáo hội càng có Chúa Thánh Thần”
12. Video: Nghệ thuật cân bằng
Bình luận