Vua thứ ba của nước Ngụy (chư hầu nhà Chu) là Ngụy Huệ Vương, trị vì khoảng 369-319 trước Công Nguyên. Năm 361 trước Công Nguyên, Ngụy Huệ Vương dời đô từ An Ấp về thành Đại Lương (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc); bởi vậy nước Ngụy còn gọi là nước Lương, Ngụy Huệ Vương còn gọi là Lương Huệ Vương.
![]() |
Sách Mạnh Tử gồm mười bốn chương thì hai chương đầu tiên gọi là Lương Huệ Vương Thượng, Hạ. Chương thứ nhất (Thượng), mục 3, chép lời thầy Mạnh nói với vua Ngụy (Lương) về đạo làm vua chăn dân trị nước như sau:
“Không làm trái thời canh tác của dân thì thóc dư ăn. Không dùng lưới dày ở ao đầm thì rùa, cá dư ăn. Tùy theo mùa mới cho khai thác gỗ rừng thì gỗ dư dùng. Có dư dật thóc, cá rùa, cây gỗ để dùng thì dân nuôi được kẻ sống, chôn được kẻ chết, không có gì ân hận. Đó là khởi đầu cho vương đạo. Cấp cho dân năm mẫu đất để ở và sai trồng dâu xung quanh nhà thì người dân năm mươi tuổi có lụa mặc. Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản, thì người dân bảy mươi tuổi có thịt để ăn. Đối với ruộng rộng trăm mẫu, vua chớ cướp mất thời gian canh tác của dân, thì mỗi hộ dân vài nhân khẩu sẽ không chết đói. Nếu vua chăm lo việc giáo dục trong các trường học, dạy cho dân biết hiếu đễ thì những người già không phải khuân vác kiếm ăn ngoài đường. Nếu người già bảy mươi được mặc áo lụa, ăn cơm có thịt thà, và người dân đen không bị đói rét; như thế mà nói bậc cai trị chẳng phải là minh vương thì điều đó chưa hề có vậy”.
Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, thời đại của thầy Mạnh chưa từng có khái niệm về môi sinh (môi trường sinh thái); nhưng ngày nay, nếu muốn thử tìm hiểu quan điểm của Nho giáo về vấn nạn bảo vệ môi sinh thì có lẽ đoạn văn dẫn trên rất đáng chú ý. Chẳng hạn:
“Không làm trái thời canh tác của dân” có thể hiểu là tôn trọng thời vụ, tôn trọng tập quán ngưng canh tác trong một năm theo truyền thống dân gian; nhờ thế mà đất được nghỉ ngơi, hồi phục, không bị con người vắt kiệt màu mỡ.
“Không dùng lưới dày ở ao đầm” tức là chỉ nên dùng lưới dệt thưa, mắt lưới to; nhờ thế những loài thủy tộc còn nhỏ sẽ được thoát thân, có được cơ hội sống còn mà tăng trưởng; các loài thủy tộc vì vậy không bị tận diệt. Lời khuyên này của thầy Mạnh khiến chúng ta liên tưởng tới ý thức của ngư dân các nước tiên tiến: Mỗi khi bắt được cá, tôm còn nhỏ thì họ liền mau mắn phóng sinh ngay cho chúng. Họ cũng không dùng thuốc độc, chất nổ, điện… nên không tàn sát tôm cá hàng loạt, không giết sạch thủy tộc bất kể lớn nhỏ.
“Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản” tức là để cho động vật còn được duy trì nòi giống. Lời khuyên này của thầy Mạnh còn khiến chúng ta liên tưởng tới các nước tiên tiến ngày nay có luật cấm câu cá, đánh cá bắt tôm vào mùa chúng đẻ trứng.
“Tùy theo mùa mới cho khai thác gỗ rừng” tức là không phá rừng tràn lan, bừa bãi; dẫu cần khai thác gỗ nhưng vẫn ý thức giữ cho rừng được luôn xanh tốt, trường tồn. Trái lại, tác hại nhãn tiền của nạn phá rừng thì ngày nay đã quá rõ.
Ngoài ra, lời của thầy Mạnh về vấn đề giáo dục cũng khiến chúng ta suy nghĩ: “Nếu vua chăm lo việc giáo dục trong các trường học, dạy cho dân biết hiếu đễ thì những người già không phải khuân vác kiếm ăn ngoài đường”.
Cốt lõi của giáo dục học đường chính là xây dựng đạo đức (luân lý) từ trong gia đình: hiếu và đễ.
Hiếu là lòng thương yêu, kính trọng cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ. Đễ là lòng kính trọng người bậc trên, có tuổi tác; đễ cũng là tình thân ái giữa anh chị em một nhà, biết đùm bọc lẫn nhau.
Suy ra, một xã hội có quá nhiều người già nua và trẻ con phải lang thang, lăn lóc ngoài đường bất kể ngày đêm mưa nắng để mong kiếm lấy miếng ăn hèn mọn, thì phải chăng hệ thống giáo dục của xã hội đó đã hỏng ngay từ nền tảng ban đầu?
Nhiêu Lộc, 17-3-2014
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Bình luận