Không chỉ là loài hiện diện nhiều trong văn hóa Á Đông, qua những truyền thuyết, truyện dân gian của châu Âu, rồng có sự hiện diện xuyên suốt và mạnh mẽ, mang đến di sản phong phú về thần thoại, và là một trong những biểu tượng của văn hóa phương Tây.
Từ rồng trong tiếng Anh là dragon, bắt nguồn từ drakōn theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là rắn lớn. Rồng phương Tây được mô tả là những sinh vật khổng lồ có hình dạng giống rắn hoặc thằn lằn. Chúng thường có 2 hoặc 4 chân, đôi cánh dơi, cái đuôi gai, móng vuốt và hàm răng cực kỳ sắc bén, và có năng lực phun lửa đủ làm nóng chảy kim loại.
Loài phản diện
Ngay từ thuở sơ khai, loài rồng được hình dung theo nhiều dạng khác nhau. Rồng Tiamat của Chaldea, đất nước vùng Lưỡng Hà tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 10 hoặc đầu thế kỷ 9 cho đến giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên, có 4 chân, toàn thân có vảy và đôi cánh. Còn rồng trong Sách Khải Huyền có nhiều đầu như quái vật Hydra trong thần thoại Hy Lạp.
Những con rồng nổi tiếng nhất ở phương Tây thường có 2 hoặc 4 chân. Đại diện cho rồng 4 chân là Rồng xứ Wales, trong khi rồng 2 chân có tên Wyvern. Dù loại nào, chúng đều có cơ thể đồ sộ, gây rung chuyển mặt đất trong từng bước đi. Mỗi khi chúng rống lên có thể khiến người ta chết ngất vì sợ hãi. Chúng thường được mô tả là đối thủ một mất một còn của các vị thần, vị thánh, hiệp sĩ, tùy theo quốc gia và văn hóa.
Về tổng quát, trong văn hóa Trung Đông, rồng hoặc rắn là biểu tượng của cái ác. Vì thế, vị thần Apepi của Ai Cập cổ đại được khắc họa với hình dạng một con rắn khổng lồ của thế giới đen tối. Người Hy Lạp và La Mã ban đầu dù chấp nhận quan niệm trên của người Trung Đông, nhưng đôi khi cũng cho rằng rồng là sinh vật có ích. Theo thời gian, ý tưởng rồng là sinh vật quái ác lại chiếm ưu thế, và cuối cùng bao trùm quan niệm chung ở châu Âu. Thậm chí trong mỹ thuật Kitô giáo, rồng là biểu tượng của tội lỗi, và vì thế thường xuất hiện trong hình tượng phủ phục dưới gót chân của các vị thánh và những đấng tử đạo.
Tuy bị xem là phản diện nhưng rồng ở phương Tây còn được mô tả vô cùng thông minh, tinh quái, nhiều trường hợp biết nói chuyện. Truyền thuyết kể rằng những con rồng này luôn nắm giữ bí mật, kiến thức hoặc quyền năng đặc biệt nào đó, mà các dũng sĩ diệt rồng có thể đoạt lấy nếu giết chết chúng. Rồng phương Tây cũng được cho rất tham lam, mê những thứ óng ánh và thường nằm phủ phục bên trên các kho báu lóng lánh vàng bạc, đá quý.
Biểu tượng của quyền lực
Trong những thế kỷ gần đây hơn, quan điểm về loài rồng cũng đánh dấu sự biến chuyển theo hướng tích cực. Mặc dù vẫn được công nhận sở hữu sức mạnh vô song, rồng được khắc họa với hình ảnh kẻ bảo vệ và là đồng minh của con người.
Với bề ngoài dũng mãnh, mạnh mẽ, loài rồng từ lâu được sử dụng làm hình ảnh trang trí trên các huy hiệu thời chiến. Một trong những ví dụ điển hình là chuyện vua Agamemnon sử dụng cái khiên có chạm khắc hình rồng 3 đầu trong tác phẩm Iliad của đại thi hào Homer. Còn ngoài đời thực, các chiến binh xứ Bắc Âu có thói quen vẽ hình rồng trên tấm khiên của họ, và chạm khắc đầu rồng trên mũi tàu của họ.
Ở Anh, trước khi người Norman chinh phạt, hình ảnh loài rồng thường xuất hiện trên những lá cờ của hoàng gia trong mỗi cuộc chiến. Người được cho khởi xướng việc này là vị vua huyền thoại Uther Pendragon, cha của vua Arthur. Vào thế kỷ 20, hình ảnh rồng chính thức được tích hợp vào huy hiệu của Thân vương xứ Wales, người kế vị ngai vàng Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, rồng đỏ từ nhiều thế kỷ trước luôn là biểu tượng của xứ Wales. Đến năm 1959, lá cờ xứ Wales chính thức được công nhận với hình ảnh rồng đỏ trên nền trắng và xanh lá cây. Ngoài Wales, chỉ có Bhutan và Malta sử dụng hình rồng trên quốc kỳ.
Rồng phương Tây có cơ thể đồ sộ, gây rung chuyển mặt đất trong từng bước đi. Mỗi khi chúng rống lên có thể khiến người ta chết ngất vì sợ hãi. |
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận