Bình an hay là yên ổn

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho thế gian sao? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Làm sao không bị sốc khi nghe những lời “chói tai” của vị thầy mà thiên hạ đang kính trọng như là một ngôn sứ, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy và cả hành động. Vị tôn sư Giêsu này cũng đã từng có những tuyên bố “chói tai”, chẳng hạn như “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo”; “Ai muốn có sự sống đời đời thì hãy ăn thịt và uống máu tôi”... (x.Lc 9,23; Ga 6,53-58). Quả thật có nhiều lời giảng dạy của Chúa Kitô mà chính mười hai vị tông đồ thân tín cũng chỉ có thể hiểu phần nào sau khi chứng nghiệm cuộc tử nạn và phục sinh của Thầy chí thánh.

Một Đấng từ trời cao giáng thế được xưng tụng là “Hoàng Tử Bình An”, một Đấng đã minh nhiên giảng dạy rằng: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,8) và cũng Đấng ấy đã tự nhận mình là “Con Thiên Chúa”, thì chắc chắn phải tuôn ban hòa bình hay sự bình an cho nhân gian. Thế thì chúng ta phải hiểu thế nào về những lời xem ra “chói tai” của Người ở trên đó là không đến để đem hòa bình mà là đem sự chia rẽ ?

Câu trả lời xem ra khá tỏ tường ngay đêm Tiệc Ly, khi Người sắp từ bỏ thế gian mà về cùng Cha trên trời với cuộc tử nạn thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Trước khi báo trước cho các môn đệ về những khó khăn, trở ngại và cả những sự bách hại mà họ sẽ phải đương đầu thì Chúa Kitô đã nói với họ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em (sự bình an) không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Hóa ra sự bình an hay nền hòa bình theo cái nhìn của Thiên Chúa và dưới nhãn quan của nhân loại có nhiều điều dị biệt.

Con người thường quan niệm bình an là tình trạng “yên ổn”. Về đời sống cá nhân thì đó là một cuộc sống yên lành, không đau ốm, tật bệnh, không bị tai ương hay hoạn nạn...; Về đời sống xã hội thì ổn định, không bị xáo trộn, không bị cạnh tranh hay bị chống đối... Dĩ nhiên cái nhìn này không sai nhưng nó bất cập và có thể bị lạm dụng.

Để có được một cuộc sống yên lành thì ai lại không ao ước và nỗ lực kiếm tìm. Tuy nhiên chuyện đau ốm hay bệnh tật là chuyện như tất yếu mà con người không thể trốn lánh vì đó là một quy luật của loài có sự sống theo cái vòng “thành - trụ - hoại - không” hay là “sinh - lão - bệnh - tử”. Mặt khác, quy luật của tự nhiên vốn có tính trung dung, không thể một lúc đáp ứng ước vọng của mọi người cùng thời, cùng nơi. Cha ông ta đã từng cảm nhận sự thật này: “Được mùa lúa thì úa mùa xoài”; “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”. Một cơn gió không thể làm vừa lòng hai con thuyền trên cùng một dòng sông đang đi ngược chiều. Nỗ lực để dệt xây một cuộc sống yên lành là điều tốt nhưng gắng sức để làm cho được mọi sự yên lành tất tần tật thì quả là hoang tưởng và sai lầm. Theo tâm lý học, đây là căn bệnh “cầu toàn”. Những người vướng phải căn bệnh này thường sống trong sự xao xuyến và lắm khi có thái độ “bức xúc” không đáng có.

Để có được một xã hội ổn định thì quả là điều tốt đẹp cần phải hướng đến không chỉ trong tâm nguyện mà cả trong hành động cụ thể. Tuy nhiên, một mặt trái của sự ổn định cần lưu ý vì có khi nó là nguyên nhân của sự trì trệ, làm cản trở sự phát triển. Chẳng hạn như co cụm để ổn định; thu mình trong pháo đài để bằng an... Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng lưu ý các mục tử trong Giáo hội rằng nếu muốn kiếm tìm sự yên ổn thì hãy ra các nghĩa trang.

Sau khi để lại sự bình an đích thực cho các môn đệ thì Chúa Kitô vẫn tiên báo những khó khăn trở ngại mà các ngài sẽ phải đối diện, thậm chí là bị trục xuất khỏi hội đường và cả đổ máu. Sự bình an đích thực chính là tình trạng được Chúa yêu thương, được Chúa đón nhận và luôn ở cùng. Chúa Kitô nói rõ điều này khi Người hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Với và trong Thánh Thần được trao ban thì Chúa Kitô sẽ ở mãi cùng các ngài mọi ngày cho đến tận thế. Với niềm xác tín và cảm nhận có Đấng đầy quyền năng và dạt dào lòng thương xót ở cùng thì dẫu cho gặp cảnh khó khăn, bĩ cực, gặp cảnh bị bách hại hay bị bỏ rơi, chúng ta sẽ có được sự bình an đích thực. Nói theo kiểu các thi nhân là khi có được người “tri âm – tri kỷ” thì ta sẽ bình tâm mà vui sống. Hầu chắc các thánh tử đạo là những người có được cảm nghiệm này để rồi sẵn sàng bước ra pháp trường với thái độ hân hoan, thanh thản và lòng không chút hận thù những người bách hại mình.

Trong thánh lễ, Kitô hữu chúng ta chào chúc nhau: “Chúa ở cùng anh chị em - Và ở cùng cha”. Lời chào chúc này cũng có nghĩa là chúc nhau được sống trong bình an đích thực. Kết thúc thánh lễ chúng ta được chủ tế chúc anh chị em ra đi bình an cũng có nghĩa là cùng ra đi với Chúa trở về với đời sống thường nhật. Ước mong sao khi trở về với đời thường thì có nhiều người nhận được sự bình an qua chính chúng ta, những người có thể nói như thánh Phaolô: “…Chúa Kitô đang sống trong tôi” (x. Gal 2,20). Dĩ nhiên đó là những khi họ cảm nhận được nơi chúng ta một sự liên đới huynh đệ thực tâm và hết lòng.

Lm. Giuse NGUYỄN VĂN NGHĨA, Chánh xứ Phúc Lộc - GP. Ban Mê Thuột

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Xương
Xương
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Emmau - Đamas
Emmau - Đamas
Có thể nói, đường đi Emmau đâu có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Đoạn Tin Mừng hôm nay dù đã được chọn đọc cho lễ Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh trước khi gắn với lễ kính Lòng Thương xót của Chúa, nhưng cũng cho chúng ta cơ hội khám phá ra dung mạo tuyệt vời của lòng Chúa xót thương được thể...
Hôm nay
Hôm nay
Hôm nay có nghĩa là giây phút hiện tại mà con người được Thiên Chúa mời gọi sống theo đúng ơn gọi của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật.
Mộ
Mộ
Truyền thống thời các tổ phụ cho biết, người ta dùng hang động tự nhiên để làm mộ: Abraham mua ở Hebron, nơi có hang Makpela làm nơi ông và bà Sara được mai táng (St 23,19 25,9).
Họ đã thấy và đã tin
Họ đã thấy và đã tin
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19).