Cây nho là loại cây cổ xưa nhất mà loài người đã biết dùng để chế rượu. Trái nho thơm. Rượu nho đậm dà. Sách Sáng thế kể: Sau đại hồng thủy, ông Noe lên bờ, ông chế rượu nho, rồi uống đến say xỉn! Ông nằm ngủ, thân thế lõa lồ (St 9,20-24). Các tiên tri như Isaia (5,1-7), Giêrêmia (2,21), Hôsê (10,1)... nhiều lần ví dân Israel với cây nho (Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng nhiều lần nói đến Cây nho và Vườn nho). Do đó, cây nho là biểu tượng của dân Israel và của Hội Thánh.
Cây nho hay bất cứ cây có trái nào cũng vậy, nếu gốc to, thân mạnh, sẽ nảy sinh nhiều cành và nhiều trái... Lý do là chính gốc và thân cây chuyển nhựa sống cho cành, cho trái. Dựa vào thực tế và hình ảnh đó, Đức Giêsu đã ví mình như cây nho, và các kẻ tin vào Ngài là cành. Cây và cành có quan hệ hữu cơ. Nghĩa là không thể tách rời nhau. Nếu cành lìa khỏi thân cây, cành chỉ còn là củi khô và chỉ còn công dụng là làm củi đốt. Riêng đối với cành nho khô, luật pháp Cựu ước quy định không được dùng làm củi thiêu của lễ vì nó mau tàn, không giữ lửa và đượm than.
![]() |
Chúa Giêsu là cây nho: Vì Người là Ngôi Lời tạo dựng. Người ban sự hiện hữu cho con người và vạn vật. “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36). Thánh sử Gioan viết: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành... ở nơi Người là sự sống” (Ga 1,3-4). Chính Đức Giêsu cũng xác nhận như thế: “Như Thầy sống bởi cha Thầy thế nào, anh em cũng sống bởi Thầy như vậy” (6,57). Là nguồn sống, Đức Kitô còn là chính sự sống” (Ga 11,25). Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thánh Tông đồ có vẻ do dự, một sự do dự thánh thiện. Vừa quả quyết là chính Ngài sống, Ngài sửa lại ngay: Không phải là Ngài sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong Ngài. Câu đó có nghĩa là: Tôi, anh, chúng ta là những nhân vị, những chủ thể tự do... song ở sâu thẳm nội tâm con người, có Đức Kitô, Đấng tận hiến sự sống cho chúng ta. Với Người, và trong Người, chúng ta sống cuộc sống rất riêng tư của mình. Sách Tông Đồ Công Vụ minh họa: “Thật vậy, chính ở nơi Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28).
Chúng ta là cành: Cành từ cây mọc ra. Không có cây làm sao có cành! Điều đó nói lên sự lệ thuộc của cành vào thân cây. Lệ thuộc để hiện hữu và để sống. Hiện hữu để sống và để sinh hoa trái khi tiếp nhận nhựa sống dồi dào từ gốc, từ thân cây... Khi một cành chỉ còn bám hờ hững vào thân cây, nó sẽ dần dần khô héo (Ga 15,6). Như thế, điều kiện để trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu, là gắn bó keo sơn với Người, ở lại trong tình thương của Người (Ga 15,9), thực hành mệnh lệnh yêu thương của Người (Ga 15,10-12).
Một chi tiết đáng để ý: Đức Giêsu lặp đi lặp lại đến tám lần từ “ở lại” trong bốn câu vắn vỏi, để nói lên yêu cầu gắt gao là phải “ăn rễ sâu” vào Ngài, “bám chặt” vào Ngài, không gì lay chuyển nổi. Ngoài ra, từ “ở lại” còn muốn nhấn mạnh ba cách thức kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Đó là:
Tụ họp nhân danh Ngài: Ngài ở giữa chúng ta (Mt 18,20).
Đọc và nghe lời Ngài: Ngài hiện diện và nói với chúng ta.
Chia sẻ thịt máu Ngài: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Cây nho là loại cây leo, có nhiều nhánh lá. Để có nhiều trái to, nhà nông phải mạnh dạn tỉa cắt, hầu như trần trụi.
Ở đây, một lần nữa, ta khám phá ra động từ lưu lại, còn hàm ý: phải trút bỏ, tránh xa, đoạn tuyệt với những gì khiến con người trở nên nghèo nàn, khô cằn, mất hết nhân phẩm... Đó là ích kỷ, nhỏ nhen, phóng túng, lười biếng, hưởng thụ... Rồi để cho lửa tình yêu Chúa đốt cháy thành của lễ toàn thiêu.
Xã hội hôm nay nhan nhản tội ác. Nguyên chính là vì con người xa lìa Thiên Chúa, tôn thờ ngẫu tượng. Người ta trở nên thoái hóa, vô đạo... Nhân loại rồi ra sẽ thế nào, khi CÀNH NHO THỤ TẠO không còn gắn chặt với THÂN NHO TẠO HÓA?
Lm. Antôn VŨ THANH LỊCH, Chánh xứ Dũng Lạc, Ban Mê Thuột
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.