Nhìn lại 2 dụ ngôn: Dụ ngôn hạt cải, ta có thể tìm gặp ở cả 2 Tin Mừng Nhất Lãm (Mt.13,31-32) (Lc.13,18-19). Còn dụ ngôn Hạt giống âm thầm mọc (Mc.4,26-29) là của riêng Tin Mừng Thánh Marco. Ta có thể đọc dụ ngôn này liên kết với dụ ngôn Người gieo giống trước đó. Tất cả đều liên quan đến huyền nhiệm Nước Trời
Hai dụ ngôn muốn nói lên điều gì ?
Đây là câu trả lời xác đáng cho băn khoăn của các môn đệ, khi họ đi theo một vị Thầy để xây dựng Nước Trời tại thế. Chuyện vĩ đại như thế, mà chỉ có nhúm người này hay sao? Rồi có làm nên trò trống gì không đây?
Đức Giêsu cho họ thấy: Đây là một huyền nhiệm. Đừng chỉ nhìn nó bằng ánh mắt trần tục, vật chất theo suy nghĩ của con người. Hơn nữa, còn phải nhìn đến tính cách chung, như ngôn sứ Ezekiel đã nhìn về một Israel sẽ trở thành một cây cao bóng cả như bá hương, để mọi dân tộc nhận ra Chúa Trời.
![]() |
Đức Giêsu muốn nói với chúng ta về một sức mạnh không thể chống lại được của Nước Thiên Chúa. Đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng, đến chung cục tức tính cánh chung. Tin Mừng đã đến trần gian, chính là hạt giống đã được gieo xuống đất. Tin Mừng đã được các Tông đồ rao giảng. Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động, để ban cho Nước của Ngài sức mạnh thầm kín, giúp phát triển tới hoàn thành. Trong thời gian này, con người phải kiên nhẫn, bình thản chờ đợi, tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong lịch sử nhân loại, nơi tới của Ngài đã nhập thể và sinh sống.
Phải hiểu
Đức Giêsu thế nào?
Như vậy phải chăng con người chỉ ngồi nhìn, khoanh tay chờ đợi kiểu “há miệng chờ sung rụng”? Chắc chắn là không! Thử tưởng tượng Giáo hội thuở sơ khai mà không có một Phaolô, với “3 chìm, 7 nổi, 9 cái lênh đênh”, thì Tin Mừng phát triển được như thế nào? Phaolô không chờ sung rụng. Phaolô ý thức lệnh cuối cùng của Thầy mình :“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt. 28,19a). Hay mạnh hơn nữa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc.16,15). Nếu dựa vào sách công vụ để vẽ những con đường đi của Thánh Phaolô, chúng ta sẽ thấy đúng là cái màu nhiệm, và Phaolô là một con thoi!
Vậy thì Nước Trời không thể chỉ phát triển bằng quyền năng của Thiên Chúa độc lập, mà con người phải chủ động hợp tác, để không chỉ đón nhận ơn cứu độ cho mình, mà còn phải giúp anh chị em cũng được cứu độ, như là một bổn phận, vì tình liên đới nhân loại, con chung một cha.
![]() |
Tin Mừng chất vất chúng ta điều gì ?
Thực tế rất nhiều người trong chúng ta chỉ “giữ đạo”, việc loan báo Tin Mừng là việc của ai chứ không phải của mình. Họ không sống trong lịch sử Giáo hội, mà cứ bên dòng lịch sử. Thậm chí là ngoài dòng lịch sử nữa ! Giáo dân thì rất xa lạ với việc loan báo Tin Mừng. Thậm chí cả linh mục, như cha Piô Ngô Phúc Hậu đã từng chia sẻ: “Trong chủng viện, chúng tôi có được học về khoa truyền giáo học đâu!” Thế nên ra trường là đi coi xứ. Coi xứ là quản trị một số người đã biết Chúa, đã tin Chúa. Bấy nhiêu thôi !
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã gửi đến cho chúng ta một vị Ngôn sứ của thế kỷ 21. Đó là Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài muốn chúng ta “Đi ta đến ven biên gặp người này người nọ...” Việc lập án phong chân phước cho TGM Helder Pessoa Camara có lẽ là một suy nghĩ cho chúng ta, khi đánh giá những cách loan báo Tin Mừng của những con người dấn thân của thời đại chúng ta vậy.
Hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa vẫn âm thầm mọc. Nhưng chắc chắn nó không thể lớn lên, không thể phát triển nếu thiếu vắng những Phaolô của ngày hôm nay.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.