Theo Đức Giêsu, Đấng ban Lời và Bánh Hằng Sống

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc diễn từ về Bánh Hằng Sống (Ga 6), đây là một trong những trang Tin Mừng thống thiết, kể lại một số môn đệ rút lui, không còn theo Đức Giêsu nữa. Các môn đệ, tức một nhóm đông hơn nhiều Nhóm Mười Hai, đã hiểu những lời của Đức Giêsu theo nghĩa “thuần túy duy vật”: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (c. 54a), “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi” (c. 60). Các ông bực bội, khó chịu bởi điều các ông xem như là quá đáng trong lời lẽ của Đức Giêsu.

1. Đức Giêsu đối diện với những hạn chế

Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, trong đó Đức Giêsu tuyên bố Ngài từ trời mà đến và Ngài sẽ ban thịt Ngài làm của ăn, nhiều môn đệ thấy những lời này là không thể chịu nổi. Vì, vốn là con bác thợ mộc Giuse, mà Ngài nói mình từ trời xuống. Điều này huyễn hoặc hoang tưởng quá. Các ông lẩm bẩm chống lại Ngài. Đức Giêsu xem ra đã đẩy họ đến một sự lựa chọn dứt khoát. Theo Chúa Giêsu hay là rút lui? Đức Giêsu phản ứng thế nào? Ngài có giữ vững lập trường hay là Ngài sẽ tìm cách giảm nhẹ lời nói của mình khi bảo rằng người ta đã hiểu lầm Ngài?

Câu đáp của Đức Giêsu thật tế nhị; Ngài không rút lại những lời Ngài đã nói, nhưng Ngài mời gọi các môn đệ nhìn xa hơn và cho các ông thấy thái độ cần phải có. Ngài nói về việc Ngài lên trời: “Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (c. 62). Như thể Ngài muốn nói: “Khi các con nhìn thấy Ta lên trời, lúc đó các con sẽ hiểu rằng, Ta từ trời xuống và điều đó sẽ không còn là cớ vấp phạm cho các con nữa”. Đức Giêsu yêu cầu các ông nhìn xa hơn tình hình hiện tại đang thử thách các ông và làm cho các ông vấp ngã. Sau đó, Đức Giêsu gợi ý cho các ông về cách giải quyết: Đừng xét đoán Ngài theo xác thịt, theo dáng vẻ bên ngoài và những tiêu chuẩn của loài người, nhưng theo Thần Khí, tức là tin vào lời Ngài nói: “Lời Thầy nói với các con là thần khí và là sự sống” (c. 63). Từ những dấu chỉ mà các môn đệ đã nhìn thấy: Phép lạ hóa bánh, việc đi trên mặt biển, Đức Giêsu thúc giục các môn đệ tin lời Ngài cách vô điều kiện. Thật quá tầm mức các ông. Các ông quyết định không đi theo Đức Giêsu nữa.

2. Nhóm Mười Hai vô điều kiện

“Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” (c. 67). Đức Giêsu không muốn gây áp lực trên Nhóm Mười Hai hoặc thu hút lòng “thương hại” của các ông. Ngài đòi hỏi nơi các ông một quyết định của ý chí, một lời tuyên xưng ý định của các ông. Phêrô nhân danh những anh em khác trả lời một cách vô điều kiện, không đặt một giới hạn nào cho sự gắn bó của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (c. 68).

Câu hỏi này là một sự khẳng định mạnh mẽ niềm thán phục của ông đối với Đức Giêsu: “Chúng con không có ai xứng đáng hơn Thầy để theo cả, Thầy mới mang lại cho cuộc đời chúng con một ý nghĩa mà thôi”. Phêrô đưa ra những lý do của việc lựa chọn vô điều kiện này, đó là lời của Đức Giêsu và căn tính của Ngài. Quả thật, nếu Nhóm Mười Hai gắn bó với Ngài, là vì Ngài có những lời ban sự sống đời đời. Những môn đệ bỏ đi nhận thấy những lời này quá đòi hỏi và các ông cảm thấy không thể sống nhờ chúng được. Tuân giữ những lời này sẽ thực sự khó mà sống được. Đối với Nhóm Mười Hai thì ngược hẳn lại. Hơn nữa, nhờ lắng nghe Đức Giêsu, các ông mới nhận ra được căn tính của Ngài, các ông đã nhận ra được Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa. “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 69). Đức tin đi trước việc hiểu biết, các ông tin để hiểu, trong lúc những người bỏ đi muốn hiểu trước đã, vì họ không tin tưởng nơi Đức Giêsu.

Như vậy, Nhóm Mười Hai đã nhận ra nơi Đức Giêsu một con người mà Thiên Chúa đã thánh hóa để thi hành một sứ vụ như các tiên tri ở Israel, trong lúc những người kia chỉ nhìn thấy nơi Ngài “Con ông Giuse, cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả” (c. 42). Đức tin dẫn đưa Nhóm Mười Hai đến chỗ nhận ra ý định của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu.

3. Trở thành những kẻ vô điều kiện

Cũng như các môn đệ, chúng ta có thể trải qua thử thách về đức tin. Cuộc sống chúng ta đầy dẫy những thử thách: thất bại cá nhân, bệnh tật, bất công, nghèo đói... Thiên Chúa làm gì vậy? Chúng ta không hiểu và chúng ta bị cám dỗ buông thả hết. Chúa Giêsu nhắc lại với chúng ta: “Các con có muốn bỏ đi không?”. Lúc đó, chúng ta được mời gọi trở thành những kẻ vô điều kiện của Chúa Giêsu, làm một bước nhảy vọt trong Đức tin. Lời Chúa sẽ là ánh sáng soi đường chúng ta vượt qua, tiếp tục bước theo Chúa Giêsu. Thánh Thể tưởng niệm Chúa Giêsu trong tư cách là Đấng vô điều kiện của Chúa Cha: “Không theo ý con, nhưng theo ý Cha”. Theo mức độ chúng ta tin vô điều kiện, Thánh Thể cũng “tưởng niệm” chúng ta nữa, nghĩa là chúng ta chết đi và sẽ sống lại trong vinh quang.

Lm. Micae Hy. Lê Ngọc Bửu, ISPCJ.Huế

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Xương
Xương
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Xương
Xương
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Emmau - Đamas
Emmau - Đamas
Có thể nói, đường đi Emmau đâu có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Đoạn Tin Mừng hôm nay dù đã được chọn đọc cho lễ Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh trước khi gắn với lễ kính Lòng Thương xót của Chúa, nhưng cũng cho chúng ta cơ hội khám phá ra dung mạo tuyệt vời của lòng Chúa xót thương được thể...
Hôm nay
Hôm nay
Hôm nay có nghĩa là giây phút hiện tại mà con người được Thiên Chúa mời gọi sống theo đúng ơn gọi của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật.
Mộ
Mộ
Truyền thống thời các tổ phụ cho biết, người ta dùng hang động tự nhiên để làm mộ: Abraham mua ở Hebron, nơi có hang Makpela làm nơi ông và bà Sara được mai táng (St 23,19 25,9).
Họ đã thấy và đã tin
Họ đã thấy và đã tin
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19).
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?