Thứ Tư, 08 Tháng Bảy, 2015 09:22

Tôi và cuộc khổ nạn

Có thể nói trình thuật Thương Khó là một bức tranh thu nhỏ của xã hội mọi thời đại, ở đó phơi bày cho chúng ta tất cả những gì gọi là “bộ mặt thật” của con người khi đối diện với những lợi ích cá nhân. Chỉ cần vài chục đồng bạc, ngay cả người môn đệ cũng sẵn sàng dùng trò bỉ ổi nhất để bán đứng thầy mình “tôi hôn ai thì chính là người đó...” (Mc 14,44), còn người môn đệ từng thề sống chết với thầy lại ngang nhiên chối một cách trắng trợn, không chỉ một lần mà tới ba lần, không biết thầy mình là ai  chỉ vì sợ nguy hiểm đến tính mạng (Mc 14,66-71). Rồi đến những kẻ có quyền nhưng hèn nhát không dám lên tiếng bảo vệ người vô tội, chỉ muốn chiều lòng đám đông để bảo toàn chức vị của mình mà làm ngơ trước công lý (Mc 15,15). Hay lòng thù ghét riêng tư của những kẻ đạo đức giả, một đám đông chẳng cần phân biệt phải trái... Một bức tranh xã hội lúc đó như thế xem ra có vẻ bi quan, nhưng thực ra tất cả những hình ảnh, con người với các hành động đó chỉ là phần nền, là những mảnh ghép lại để làm sáng lên chủ đề chính của bức tranh, đó là Tình Yêu. Thật vậy, dù là phản bội, dù vu oan giá họa, tra tấn bất công, hay lên án tử đi chăng nữa, tất cả đều chỉ có chừng và có lúc của nó, chỉ có Tình Yêu hiện thân nơi con người Giêsu là hiện diện trong suốt mọi cảnh huống. Tình Yêu đó có khi lên tiếng để phản tỉnh, cảnh báo con người trước những âm mưu đen tối. Tình Yêu đó cũng sẵn sàng trả lời cho sự thật, nhưng tình yêu đó có khi chỉ là lời thinh lặng tha thứ với hy vọng con người có thể nhận ra lỗi lầm của mình.

 

Nếu cuộc Thương Khó là một bức tranh thu nhỏ thì chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh mình trong đó. Có thể là các Thượng Tế chăng khi ta để cho lửa ghen điều khiển hành động của mình, hay là những kẻ ham sống sợ chết, thấy nguy bỏ bạn ? Cũng có thể chúng ta là những kẻ ham quyền quên sự thật, sẵn sàng xử bất công để bảo vệ cái ghế của mình. Nhưng cũng có khi ta chỉ nhỏ bé giữa một đám đông vô hồn, lớn tiếng hô hào hay ủng hộ một ai đó mà chẳng cần biết người đó đúng hay sai... Mà biết đâu, chúng ta đang là một Giê-su bị phản bội, chịu những bất công của xã hội, một Giêsu đang bị những đau đớn thể xác vì bệnh tật, đói nghèo hành hạ và cả những đau đớn tinh thần vì bị khinh chê, bỏ rơi, bị sỉ nhục, xúc phạm đến nhân phẩm...

Tìm cho mình một hình ảnh trong cuộc Khổ Nạn của Con Thiên Chúa không phải để chúng ta bi quan hay hãnh diện về hình ảnh của mình, nhưng để thấy rằng cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu chưa kết thúc. Mỗi chúng ta đều đang dự phần vào đó tùy chọn lựa của mình. Mỗi người có thể là nạn nhân, nhưng cũng có thể là thủ phạm gây nên cái chết của Con Thiên Chúa nơi người anh em. Quả thật, Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại, thế nhưng điều đó sẽ vô nghĩa nếu chúng ta là những Kitô hữu không thấy mình có một liên quan nào đến cuộc Khổ Nạn của Người. Ta sẽ lạc lối trong những đau khổ không thể tránh trong cuộc sống, hoặc sẽ bi quan thất vọng trước những lỗi lầm của bản thân. Bởi lẽ tất cả những gì Chúa Giêsu trải qua trong cuộc đời, nhất là qua cuộc Khổ Nạn, nhằm thánh hóa tất cả những đau khổ của nhân loại. Cũng chính qua khổ hình thập giá, ơn tha thứ đã không bao giờ còn ngưng lại trên bất cứ tội lỗi nào của nhân loại

Nữ tu M.Paul j Kiều Thu, fmsr

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm