“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác” (Mt 5,39).
Thánh Kinh dạy rằng thật là sai lầm khi đánh trả hay lấy ác báo ác, cách tức thời hay về sau này. Công lý phải được thực hiện, nhưng bởi tay Chúa hay những quyền lực được Thiên Chúa trao ban.
Giáo huấn Cựu Ước về việc trả thù:
- Việc trả thù bị cấm trong Cựu Ước: Với Cain sợ bị báo thù “Đức Chúa phán với ông: không đâu ! Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy. Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi bị giết” (St 4,14). “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngoại. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18; x. Đnl 19,5-7; 11-13; 23,7; Cn 20,22; 24,23; Gr 29,8).
- Luật báo thù (lex talionis): “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21,23-25) không phải luật để người ta trả thù nhau, nhưng là để bảo đảm cho sự trừng phạt không bất công hoặc do ác ý (x.Lv 24,17-21; Đnl 19,18-21).
Việc trả thù cá nhân bị ngăn cấm trong Tân Ước:
- do Chúa Giêsu Kitô (Mt 5,38-45; x. Lc 6,27-.38).
- do các tông đồ: “Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt” (Rm 12,17; x 2Tx 5,15; 1Pr 3,9; 1Cr 13,4-5).
Những hậu quả tai hại của việc trả thù được làm rõ trong cuộc đời của ông Samson, khi ông thiêu hủy mùa màng của người Philitinh (Tl 15,1-8) khi họ lên đóng trại ở Giuđa và tràn ra tới Lekhi để tìm bắt trói ông (Tl 15,9-10).
Những phương cách khác thay cho trả thù:
- Tránh xa để khỏi bị vướng mắc, bằng cách “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12,18), “trước hết, anh em hãy lấy tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8).
- Trốn thoát khi bị tấn công: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10,23), như khi người ta xô Chúa Giêsu xuống vực thì: “Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,29-30).
- Chấp nhận sự bất công: “Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công” (1Cr 6,7). Lý do để có thể kiên trì chịu sỉ nhục, bị hành hạ ... bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn, lại vừa bền vững” (Dt 10,32-34).
- Sử dụng lề luật, như Thánh Phaolô nại đến quyền công dân Rôma (Cv 22,25). Tiến tới luật vĩnh cửu, luật Tin Mừng (1Cr 6,1-6).
- Tha thứ là nêu gương thứ tha, như Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) hay như Thánh Stêphanô: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,59-60), “kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn, có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,19-21; x. Cn 25,21-22).
Thiên Chúa sẽ minh xét dân Người: “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18,7-8; x. Đnl 32,43; 1Sm 24,12; 2V 9,7; Tv 18,48; Kh 6,10 19,2).
LM. Phạm Quốc Túy - Giáo phận Phú Cường
Bình luận