“... hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6,11).
Con người được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất khi chết. Do đó, bụi biểu trưng cho sự nghèo hèn thấp kém. Trong Kinh Thánh, bụi bị giũ bỏ khỏi chân để báo trước cuộc phán xét mai sau. Bụi cũng được dùng như cách diễn tả nỗi khổ sầu.
Con người được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh lực vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7 x. St 18,27 Tv 103,14 1Cr 15,47).
Chúng ta sẽ trở về bụi đất khi chết: “... người là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất ...” (St 3,19tt). “Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi” (Tv 90,3 x. G 10,9 34,15 Gv 12,7).
Bụi đất biểu trưng sự nghèo hèn thấp kém: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng Người cất nhắc từ đống phân tro ...” (1V2,8 x. St 18,27 1V 16,2 G 30,19).
Bụi đất sánh với số đông: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu ngươi đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi” (St 13,16 x. St 28,14 Tv 78,27).
Bụi đất bị giũ khỏi chân là dấu báo trước sự phán xét: “Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6,11 // Mt 10,14 // Lc 9,5 x. Lc 10,10-11 Cv 13,51).
Bụi được dùng để diễn tả sự phiền muộn và lòng thống hối: “Trước kia con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,5-6). “hàng kỳ mục của Sion ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất, đầu rắc đầy bụi tro, mình mặc áo vải thô, các cô trinh nữ Giêrusalem gục đầu sát đất” (Ac 2,10 x. Gs 7,6 G 2,12 Ed 27,30 Kh 18,19).
LM. PHẠM QUỐC TÚY - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.