Maranatha, Maranatha, Maranatha
Maranatha có gốc tiếng Aram là marana tha hoặc maran atha được sử dụng duy nhất một lần trong lời chào của Thánh Phaolô gởi tới cộng đoàn Côrintô (1Cr 16, 22).
Công thức này có thể đã được dùng trong Phụng Vụ, mang hai ý nghĩa: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”, hoặc “Chúa đến”. Nghĩa thứ nhất diễn tả niềm mong đợi cuộc quang lâm lần thứ hai của Chúa Kitô, nghĩa thứ hai là lời tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể hoặc là lời tung hô việc Ngài ngự xuống trong Bí Tích Thánh Thể (x. GLHTCG 451).
Lời cầu nguyện này có nguồn gốc từ các cộng đoàn Kitô hữu ở vùng đất Palestina và được du nhập trong các cộng đoàn Kitô hữu Hy Lạp, những người đang loan báo cái chết của Chúa cho đến khi Người lại đến (x. 1Cr 11,26). Có thể các tín hữu Côrintô đã dùng cụm từ này để chào hỏi nhau.
Trong thư 1 Côrintô, Maranatha nhắc nhở cho tín hữu biết rằng tình yêu là thước đo căn tính môn đệ trong lúc chờ đợi Chúa quang lâm. Họ tham dự trước ngày quang lâm nhờ vào bữa tiệc Thánh Thể nhưng việc cử hành đó cũng là lời kết án cho những ai không yêu mến Chúa.
Sách Khải Huyền cũng diễn tả lại công thức này trong tiếng Hy Lạp với ý nghĩa chúc lành (x. Kh 22,20).
Tiểu ban Từ vựng - UBGLĐT/HĐGMVN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.