Ai là người thân cận ?

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - năm C

Bài đọc 1: Đnl 30,10-14; Bài đọc 2: Cl 1,15-20; Tin Mừng: Lc 10,25-37

Truyền thống văn hóa Việt Nam của chúng ta có biết bao lời khuyên về tình liên đới, ca ngợi những nét đẹp thể hiện qua sự đùm bọc cứu giúp lẫn nhau: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta được thấy những nghĩa cử tuyệt vời của người dân Việt. Những siêu thị “0 (không) đồng”, những suất ăn miễn phí, những hoạt động từ thiện nhằm nâng đỡ những bà con gặp nạn ở tâm dịch khiến chúng ta cảm động. Thế mới thấy, trong cơn hoạn nạn, người ta đặt chữ TÂM” làm đầu, không còn phân biệt tôn giáo hay chính trị.

Bác ái yêu người là luật Chúa dạy, vì Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương cứu giúp con người. Xuyên suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa luôn phù trợ đồng hành và che chở. Ngài đã mặc khải cho ông Môisen: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp”. Điều này có nghĩa, Ngài là Thiên Chúa gần gũi với con người và luôn cứu giúp con người. Vì vậy, luật của Chúa cũng không phải điều gì xa xôi, mà gần gũi với con người, để rồi ai cũng có thể thực hành được, tùy hợp với khả năng và bậc sống của mình.

Nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa được trình bày như một Đấng che chở đồng hành với Dân được tuyển lựa, thì đến thời của Tân Ước, Chúa sai Con của Ngài nhập thể để ở cùng nhân loại, đồng cam cộng khổ với con người, để chia sẻ kiếp sống nhân sinh đầy thử thách gian nan và đau khổ. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Điều đó có nghĩa, nếu con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa, thì họ có thể gặp Ngài qua Người Con, là Ngôi Lời nhập thể (Bài đọc II).

Ai là người thân cận của tôi? Đó là câu hỏi của một người thông luật. Chúng ta biết đây là một câu hỏi muốn gài bẫy Chúa Giêsu, vì người hỏi là người học hành uyên thâm và hiểu rõ lề luật Cựu ước. Khởi đi từ câu hỏi này, Chúa Giêsu đã kể một câu chuyện dụ ngôn. Câu chuyện này là một trong những áng văn chương giá trị giáo huấn tuyệt vời của Tân Ước.

Người Samaritanô nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giêsu. Người đã cứu vớt và chữa lành cả nhân loại đã bị tổn thương do tội lỗi. Người đã mang lấy nỗi đau và bệnh tật của con người, để cho họ được hạnh phúc và bình an. Kitô giáo là Đạo nhập thể, là tôn giáo khẳng định “Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Nếu Thiên Chúa đã cúi mình xuống để cưu mang và cứu độ con người, thì con người lại dửng dưng đối với nhau. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã nhắc tới hai người được đào tạo và có chức vị trong Do Thái giáo, đó là một tư tế và một trợ tế. Họ là những người “cầm cân nẩy mực” để đánh giá và duy trì những chuẩn mực luân lý và mức độ đạo đức của người dân. Khi thấy người bị nạn, bầm dập vết thương và bị bỏ rơi nửa sống nửa chết bên vệ đường, hai người này đã bỏ đi. Họ được giáo dục về lòng yêu mến tha nhân, nhưng lòng yêu mến đó chỉ dừng lại ở sách vở và lý thuyết, còn những con người đau khổ cụ thể thì họ lại bỏ qua. Trong khi đó, người Samaritanô, một người “dân ngoại” và vô danh, lại mang một trái tim nhân hậu. Những chi tiết được nhắc tới trong dụ ngôn cho thấy anh là một người chu đáo tận tâm. Anh chấp nhận những hệ luỵ và mọi tốn kém để cứu giúp người bị nạn. Anh còn chu đáo dặn người chủ quán: “Nhờ anh chăm sóc giúp người này, tốn phí bao nhiêu, tôi sẽ thanh toán khi trở về”. Anh đã coi người bị nạn như người thân cận của mình, và hơn nữa, như chính bản thân mình vậy.

Để trả lời cho câu hỏi của người thông luật, Chúa Giêsu đã kể một câu chuyện đầy ý nghĩa. Thay vì đặt câu hỏi” Ai là người thân cận của tôi? Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: Tôi là người thân cận của ai? Trở thành người thân cận của một người nào đó, tức là ra tay giúp đỡ người ấy khi người ấy gặp nạn, không phân biệt tính toán, nhưng với trái tim mở rộng và chân thành yêu thương. Người tư tế và trợ tế trong dụ ngôn luôn quan tâm đến những quy định về thanh sạch hay nhơ uế. Họ sợ chạm đến người bị đánh nửa sống nửa chết, vì theo quy định của lề luật, họ sẽ bị nhơ uế. Nhưng họ quên rằng, luật cao cả nhất là luật yêu thương. Sau này, thánh Phaolô đã khẳng định: “Yêu thương là chu toàn lề luật”.

Lời Chúa hôm nay vừa dạy chúng ta cảm thương cứu giúp những người bị nạn, vừa thay đổi những thành kiến về những người xung quanh. Trong quan niệm của người Do Thái, những người Samaritanô là người bị coi thường và đáng khinh bỉ. Đây là những hệ luỵ vừa mang tính lịch sử vừa mang tính tôn giáo. Khi diễn tả người Samaritanô cảm thương cứu giúp người bị nạn, Chúa Giêsu muốn lên án sự kỳ thị chia rẽ và phân biệt. Đừng coi thường những người không cùng chủng tộc và tôn giáo với mình, vì họ mang trái tim nhân hậu, trong khi những người xưng mình là công chính chưa chắc đã tốt như họ.

Người Samaritanô vốn bị khinh bỉ coi thường, bỗng trở thành mẫu gương cho mọi người: “Hãy đi và làm như vậy!”. Đây vừa là câu trả lời dành cho người thông luật, vừa là mệnh lệnh Chúa gởi đến chúng ta. Quả vậy, Lời Chúa không chỉ là những lý thuyết suông, nhưng phải được thực hành cụ thể trong đời sống. Vâng, chúng ta hãy đi vào cuộc sống. Hãy có lòng nhân hậu đối với tha nhân. Hãy có trái tim nhân hậu và lòng nhân từ như Cha trên trời.

Đại dịch Covid-19 sẽ qua đi, ước mong những nghĩa cử tốt đẹp sẽ tồn tại và nhân lên mãi. Bởi lẽ những cử chỉ quảng đại thân thiện quảng đại ấy xuất phát từ trái tim, từ tình nghĩa đồng bào, và nhất là từ lời mời gọi yêu thương của Chúa chúng ta.

Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên - TGP. Hà Nội

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Chúc tụng
Chúc tụng
Chúc: mừng, mong ước điều may mắn cho người khác; tụng: khen. Chúc tụng: khen ngợi.
Thanh tẩy
Thanh tẩy
“Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa” (Mc 7,2).
Ðức tin tinh tuyền
Ðức tin tinh tuyền
Vài năm trở lại đây, cuộc sống kinh tế có phần cải thiện và những khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo cũng đã được tháo cởi, nhờ đó các cộng đoàn tín hữu có nhiều biến chuyển trong những thực hành đạo đức.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Đức Giêsu nhận mình là Đấng từ trời xuống (Ga 6,38.42; x. Ga 3,31). “Trời” được coi là thế giới của Thiên Chúa (Ga 3,27), thế giới của Thần Khí (Ga 1,32).
Bỏ đạo, sự
Bỏ đạo, sự
Sự bỏ đạo Công giáo được thấy ở nhiều mức độ và nhiều dạng thức khác nhau như: bỏ đạo một cách hiển nhiên hay không hiển nhiên.
Tin, nhận chúa Giêsu
Tin, nhận chúa Giêsu
Vừa định cư tại Đất Hứa, dân Chúa đã bị cám dỗ chạy theo các thần ngoại lai, khiến Giosuê phải mời gọi họ lặp lại giao ước với Thiên Chúa. Dân đã đáp lời (Gs 24).