Chúa nhật I Mùa Chay, năm C
Bài đọc 1: Đnl 26,4-10; Bài đọc 2: Rm 10,8-13; Tin Mừng: Lc 4,1-13.
Bài Tin Mừng của Chúa nhật I Mùa Chay bao giờ cũng là trình thuật về việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, và trình thuật ấy soi sáng cả Mùa Chay, vì Mùa Chay chính là thời gian bước vào một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ để hình thành con người mới nơi mỗi chúng ta.
Khi đọc trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ, chúng ta dễ nghĩ đây là những cám dỗ về mặt luân lý, đạo đức cá nhân, chẳng hạn như tội kiêu ngạo, tham lam của cải... Những suy nghĩ ấy rất tốt và rất cần, nhưng ở đây thử nhìn tới một viễn tượng lớn hơn bằng cách đặt câu hỏi: Chúa Giêsu chịu cám dỗ vào lúc nào? Thưa, vào lúc Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Cho nên, những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải đối diện, không chỉ là cám dỗ về mặt đạo đức cá nhân, mà là những cám dỗ về sứ vụ cứu thế, về đường lối giải thoát nhân loại. Vậy, đâu là đường lối cứu thế mà ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu, và nó dùng chiến thuật nào để thuyết phục Chúa Giêsu làm theo? Chiến thuật của ma quỷ là lấy chính Lời Chúa để đánh lừa và cám dỗ con người. Lời Chúa là Lời Chân lý, Lời sự thật nhưng ma quỷ chỉ trình bày một nửa sự thật để đánh lừa con người.
![]() |
Trong cơn cám dỗ thứ nhất, sau 40 ngày không ăn gì cả, Chúa Giêsu thấy đói, ma quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4,3). Ẩn trong lời đề nghị đó là quan điểm cho rằng cứ có tiền bạc, cứ có của cải vật chất là giải quyết tất cả. Ðấy chính là cơn cám dỗ của nền kinh tế thị trường ngày nay: Có tiền mua tiên cũng được, có của cải vật chất là giải quyết được mọi sự! Hỏi rằng điều đó có đúng không? Cũng đúng đấy, bởi vì nghèo thì khó lòng hạnh phúc được. Con người cần cơm bánh, cần của cải, cần được cung ứng những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. Thế nhưng, tiền bạc và của cải vật chất tuy cần thật nhưng không phải là tất cả. Trong thực tế đã có bao nhiêu gia đình giàu có nhưng lại tan nát và con cái là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Biết bao gia đình giàu có, nhưng con cái trong gia đình lại vướng vào tệ nạn xã hội, gây đau khổ cho mọi người. Ðó là những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống, chưa nói đến những kinh nghiệm của lịch sử thế giới dạy chúng ta điều đó.
Ở cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ nói với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4, 5-7). Hàm trong lời đề nghị đó là quan điểm cứ có quyền lực là có tất cả. Tiếc rằng, điều đó chỉ đúng có một nửa. Quyền lực là cần thiết cho người lãnh đạo, nhưng không phải là tất cả. Lịch sử thế giới làm chứng biết bao nhiêu người với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay mà chỉ gieo sợ hãi, gieo đau khổ cho biết bao thế hệ. Hạnh phúc ở đâu cho nhân loại và cho chính bản thân người lãnh đạo? Quyền lực thực sự phải được đặt dưới quyền lực của Ðấng Tối Cao và sự hướng dẫn của Người: “Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8).
Cơn cám dỗ cuối cùng mà ma quỷ đề nghị với Chúa Giêsu là lên trên nóc đền thờ gieo mình xuống… “vì có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4, 10-11). Ở đây xuất hiện một cơn cám dỗ đặc thù trong thời đại chúng ta, thời đại của khoa học - kỹ thuật. Ngày nay người ta nói đến kỹ thuật trị hay kỹ trị, với ý nghĩ rằng kỹ thuật giải quyết được hết mọi sự. Ðúng là con người cần đến khoa học và kỹ thuật, nhờ đó cuộc sống được đầy đủ tiện nghi, thoải mái, an toàn, bảo đảm hơn. Những chuyện ngày xưa tưởng chỉ có trong chuyện khoa học viễn tưởng - máy bay, tàu ngầm, điện thoại, internet...- nay đều thành sự thật, làm cho cuộc sống con người phong phú hơn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật có giải quyết được hết mọi sự không? Con người có khả năng khám phá nguyên tử năng nhưng từ ngày đó, nhân loại lại sợ hãi nghĩ đến chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ và tiêu diệt tất cả. Từ ngày internet phát triển đến nay, các phương tiện truyền thông bùng nổ, nối kết con người trong ngôi làng toàn cầu, thế nhưng tình trạng gian dối, lừa đảo, khủng bố trên không gian mạng cũng gia tăng, liệu nhân loại có cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn chăng? Ðức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể chuyện bên trời Tây, hai nhà sát vách nhau,
thay vì sang thăm nhau thì gởi thiệp mừng Giáng Sinh bằng email (bây giờ là mạng xã hội). Hình ảnh dí dỏm này khiến chúng ta tự hỏi liệu thời đại của khoa học kỹ thuật có làm cho con người gần gũi nhau hơn không, hay là nó làm cho người ta đắm mình trong thế giới ảo và thành xa nhau hơn trong thực tế. Có thực sự là kỹ thuật giải quyết được hết mọi sự?
Phân tích những cơn cám dỗ này để thấy chiến thuật của ma quỷ là trình bày sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Ðấy chính là lý do khiến chúng ta dễ sa vào cơn cám dỗ vì nó xuất hiện với dáng vẻ rất ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn. Ẩn trong dáng vẻ hấp dẫn và đẹp đẽ đó là sự chết, là tội lỗi dẫn đến sự chết mà nhiều khi mình không tỉnh thức và cảnh giác đủ.
Cách thế duy nhất để chúng ta bám vào và vượt qua những cơn cám dỗ, đó chính là Lời Chúa tinh tuyền: “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn sống nhờ Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Lời Chúa rất nhiều khi xuất hiện dưới một dáng vẻ xấu xí, không hấp dẫn. Cụ thể nhất, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là đỉnh cao của Lời Thiên Chúa. Chúng ta thấy gì là ngọt ngào ở một hình ảnh Con Người bị đóng đinh? Chúng ta thấy gì gọi là quyến rũ nơi khuôn mặt đầy đau khổ? Nhưng ẩn sau nỗi đau khổ và sự hy sinh đó là sự sống cho chúng ta. Vì thế, phương pháp duy nhất để ta vượt qua cơn cám dỗ là bám chắc vào Lời của Chúa, Lời được Giáo hội công bố, giải thích và hướng dẫn. Nhờ đó, chúng ta có tỉnh thức, sự cảnh giác, đồng thời là sức mạnh để vượt qua những cơn cám dỗ trong cuộc chiến đấu thiêng liêng.
ÐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP Mỹ Tho
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.