Thứ Sáu, 25 Tháng Chín, 2020 14:18

Bất tuân lệnh / không vâng lời

(CN XXVI thường niên - Năm A - Mt 21,28-32)

Bất tuân lệnh là từ chối vâng phục ai, nhất là người có quyền. Thánh Kinh nhấn mạnh cần phải tuân phục Thiên Chúa mọi lúc.

Sự bất tuân đi vào lòng người bằng nhiều lý do khác nhau:

- Bất tuân vì tham ăn và thú tính: “Người đàn bà thấy trái cây đó, ăn thì phải ngon ...” (St 3,6; x. St 3,11-12; Xh 16,19-20; Gs 7,20-21; 2Sm 11,2-4).

- Bất tuân vì thiếu nhẫn nại, như khi dân xin ông Aaron cho họ một vị thần ... (Xh 32,23; x. Ds 20,10-11; 1Sm 11,8-14).

- Bất tuân vì sợ, như vì sợ Asnêrô, dân muốn nương tựa Ai Cập, dù tiên tri Giêrêmia cản ngăn (Gr 32,2-7; x. Ga 7,13; 12,42; Gl 2,12).

- Bất tuân như kết quả của sự kiêu ngạo, như vua Pharaô (Xh 5,2) hay hai người con của Aaron (Lv 10,1) hay vua Atđigiahu (2Sb 26,16)

Không tin là bất tuân: “Hãy đề phòng đừng để anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống” (Hr 3,12; x. Gr 7,23-28; Rm 11,30-32; Rm 11,20; Hr 3,18-19; 4,2-6).

Thiếu yêu mến là bất tuân: “Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy” (Ga 14,24; x. 1Ga 2,9 3,15).

Bất tuân lệnh Chúa dẫn tới hình phạt:

- Hình phạt đối với cá nhân, như án lệnh đối với nguyên tổ (St 3,17-19; x. St 3,23-24; Lv 10,1-2; Ds 20,12; 1Sm 28,18; 2Sm 12,14; Ga 1,10-12; Ep 5,5-6).

- Hình phạt cho sự không vâng phục đức tin (2Tx 1,8-9; Hr 2,2-3).

- Các dân tộc cũng bị luận phạt: “Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phạm tội, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản” (St 15,14; x. Cv 7,7; Ðnl 11,26-28; 1Sm 12,15; x. Xh 32,35; Ðnl 28,15; Is 13,11).

- Sự bất tuân, như mọi tội khác, đều có thể được tha thứ: “cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ thành người công chính” (Rm 5,19; Ep 2,1-5).

LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm