Thứ Bảy, 11 Tháng Tư, 2020 16:00

CÁI CHẾT MỞ RA MỘT MẦU NHIỆM LỚN LAO

 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH - NĂM A

Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Phúc Âm: Ga 20,1-9

 

 

1. ĐỨC TIN

Đức Tin của các tín hữu thường dễ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc: tin có Thiên Chúa; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự và điều hành mọi sự… Đức Tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau: tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.

Lời Chúa trong thánh lễ Phục Sinh buộc ta điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa. Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô”.

2. LÀM CHỨNG LÀ THẾ NÀO?

Chỉ có các tông đồ là những chứng nhân đúng nghĩa. Các ngài đã cùng sống với Đức Giêsu, đã thấy thầy mình chết và sống lại. Việc làm chứng của các tông đồ dựa trên điều các vị đã thấy.

Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh theo cách thứ hai này. Sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới. Chúng ta hạnh phúc, tự do, vui mừng trong cuộc sống mới đó và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng cũng tràn trề hy vọng.

3. TÂM THỨC KIÊU CĂNG CỦA KẺ CHIẾN THẮNG   

Nhiều người trách những người Công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người… Tiếng pháp là “triomphalisme”. Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không?

Chúng ta xác tín rằng mình có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Đức Giêsu Phục Sinh, và cũng tin nếu có Ngài phù trợ thì con người sẽ vượt thắng tất cả. Những câu đáp ca trong lễ hôm nay trích từ Thánh vịnh 117, tuyên bố niềm xác tín đó: “Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa làm”.

Tuy nhiên, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người khác không có được niềm xác tín như Kitô hữu. Đúng hơn, tín hữu cần làm chứng cho họ và chia sẻ với họ niềm tin ấy, một niềm xác tín giúp con người lạc quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp chết.

4. MỘ MỞ TOANG

Gioan cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó… Ông đã thấy và đã tin. Nhưng ông thấy gì? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.

Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì? Một hố sâu thăm thẳm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang, khăn tang chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái chết có bộ mặt một cuộc giáng sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật.

Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống? Ngôi mộ đâu có trống? Vì Gioan đã thấy chân dung thực sự của Đức Giêsu, bạn ngài.

Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không? Vì sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.

Dưới não trạng hiện đại, người ta thường nghĩ chết là hết. Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta. Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Ngài đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên trỗi dậy. Phục Sinh. Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức tin. Sau cùng, ta hiểu rằng Đức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến đá che mộ, đã hoàn thành Phục sinh báo trước. (G. Boucher, “Le ciel sur terre”, được trích dịch trong Fiches dominicales, năm A, trang 122 - 123).

 

LM Carôlô Hồ Bặc Xái, Tổng Đại diện GP Cần Thơ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm