Vì cuộc sống mưu sinh, không ít người rời xa nông thôn, bước lên thành thị với hy vọng đổi đời. Nhiều người trong số họ thành đạt ở cái xứ được mệnh danh là “phồn hoa đô hội”; người làm công nhân, một số thành ông chủ, và thậm chí có người gầy dựng cả một cơ ngơi vững chãi, tiếng tăm. Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi không ngừng, đặc biệt tình trạng biến động thị trường trong và ngoài nước như hiện nay đã làm một bộ phận người sinh sống tại thành phố phải một phen lao đao. Không biết con đường phía trước sẽ đi tiếp như thế nào, có những người đã chọn cách khăn gói về lại quê nhà.
Những người ở quê hay nói: “Mần không được chắc dọn đồ đi Bình Dương quá” hay động một chút là “Ði Sài Gòn mần cho rồi, ở quê mần hoài cũng vậy”. Người ta luôn tâm niệm rằng đi nơi khác dễ sống hơn so với gắn bó ở quê. Mà cũng đúng, có người đi tầm vài năm cũng đủ gởi tiền về xây một căn nhà khang trang, mua vài con bò hay gởi tiền cho cái cái ăn học. Hầu hết người ta phải đánh đổi cả một đời nơi xứ người chỉ vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống gia đình còn chật vật, khó khăn. Họ mong sao khi về già có cái để cho con cháu và lo cho bản thân.
Ðất Sài Gòn dễ sống, chỉ cần mở lòng ra, sống tử tế thì người ta có thể được người và đất đón nhận. Có người mới đầu chỉ buôn bán nhỏ lề đường nhưng sau đó mở quán lớn thuê cả nhân viên, có người mở cả công ty sản xuất trong nước và buôn bán với nước ngoài. Nhưng cũng có người chấp nhận cuộc sống bình thường của một công nhân, sáng thức dậy đi làm và đến chiều về lo cơm nước cho gia đình, thỉnh thoảng gởi chút tiền về cho cha mẹ già ở quê, hay lễ Tết về thăm nhà. Cuộc sống của những người xa quê là như vậy, dù có chút vất vả nhưng cuối năm cũng có quê để về. Nhiều người sống tại thành phố ước ao cũng có quê để được về như mọi người nhưng không được. Bởi người ta thường nói: “Vầng trăng ở quê mình là đẹp nhất”, đơn giản là vì được đứng ở quê ngắm trăng nên nó đẹp, vẻ đẹp bình dị và thân thuộc. Dù làm bất cứ nơi đâu, ngành nghề gì, giàu có ra sao, nhưng tâm nguyện cuối cùng của những đứa con xa quê vẫn mong một ngày nào đó trở về quê hương, bởi đối với họ không đâu cho bằng quê mình.
Cuộc sống hôm nay không thể biết được ngày mai, đặc biệt là trước những tác động thời cuộc như dịch bệnh, chiến tranh, đói kém… đã không ngừng tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước không ổn định, nhiều công ty, nhà máy phải đóng cửa vì hàng hóa không có “đầu ra”. Nhiều công nhân lâm vào tình trạng thất nghiệp, mang tâm trạng buồn bã khi Tết gần cận kề. Không biết ngày mai sẽ như thế nào… Có người muốn trở về lại quê nhà, song nhìn lại chặng đường đã qua nơi thành phố thân quen một thời, hẳn không khỏi chạnh lòng. Nơi đây có những người bạn, những kỷ niệm gắn bó trong suốt những năm tháng bôn ba tại xứ người, giờ đây tạm khép lại để bước tiếp chặng đường tiếp theo. Có người lúc đi tóc còn xanh, khi về đầu đã hai thứ tóc.
Dù có chút tiếc nuối, nhưng tin rằng hạnh phúc vẫn đang chờ đón những người con xa xứ trở về. Một căn nhà lá, mảnh vườn nhỏ với vài con gà, con lợn cũng đủ sống, thậm chí còn thong thả hơn, không bon chen và bận tâm cho những ngày mai. Cũng đôi khi vì cuộc sống bận rộn nên nhiều người bỏ cả việc đi lễ, cầu nguyện. Và đây cũng là một cơ hội để người ta tìm về bên Chúa, bên gia đình và xứ đạo với rộn vang lời kinh ấm áp, thiêng liêng…
MINH KHIẾT
Bình luận