CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - NĂM A
Bài đọc 1: Cv 2,14a.36-41; Bài đọc 2: 1 Pr 2,20b-25; Tin Mừng: Ga 10,1-10.
Trong thánh lễ an táng và cầu hồn, đáp ca được đọc hay hát thường là bài “Chúa là Mục tử” hoặc “Chúa chăn nuôi tôi”, trích từ Thánh vịnh 23. Lời ca sâu lắng, tha thiết và gợi hình, giúp cộng đoàn phụng vụ thêm lòng sốt sắng, giúp thân nhân gia đình người quá cố được ơn an ủi và niềm hy vọng. Thực ra, Thánh vịnh này không chỉ diễn tả việc Chúa dẫn đưa một người đã qua đời về vương quốc vĩnh cửu, mà còn diễn tả sự quan phòng yêu thương của Chúa đối với con người trong suốt cuộc đời. Ngài luôn chăm sóc chúng ta, ân cần chu đáo như một mục tử đối với đoàn chiên.
Trong xã hội du mục của người Do Thái thời xưa, hình ảnh người mục tử và đoàn chiên rất gần gũi đối với nền văn hóa và cuộc sống hằng ngày. Đi đâu ta cũng có thể gặp thấy đồng cỏ xanh, đoàn chiên thư thái ăn cỏ bên dòng suối mát lành, dưới dự chăm sóc của các mục tử.
Trong Cựu Ước, hình ảnh mục tử và đàn chiên đã được dùng để diễn tả mối quan tâm của Thiên Chúa đối với dân riêng của Ngài. Khi kêu cầu danh Chúa, người Do Thái đạo đức thân thưa với Chúa: “Lạy Mục tử nhà Israel, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe!” (Tv 79,2). Cũng như mục tử chăm sóc yêu thương đàn chiên, tác giả Thánh vịnh muốn xin Chúa chăm sóc, nhất là cứu vớt bảo vệ những ai đang bị chao đảo. Nếu đọc tiếp, chúng ta sẽ thấy tác giả diễn tả tình trạng gây hoang mang, khi nói về vườn nho là dân Israel: “Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang”. Trước bối cảnh đau thương đó, ông không thất vọng, trái lại phó thác và cầu xin với niềm xác tín: “Lạy Chúa… xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 79,20).
Sau khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ở một khía cạnh đặc biệt: Người là Mục tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã dùng danh xưng này và Người đã thể hiện là một mục tử đặc biệt qua cái chết trên thập giá. Người đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Người đã thi hành đức yêu thương ở mức độ hoàn hảo nhất, vì: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, nhân loại được giao hòa với Chúa Cha. Những ai đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu và chuyên tâm thực hành, người ấy sẽ được kể như con chiên trong đàn chiên của Người. “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và sẽ gặp được đồng cỏ”. Đây vừa là một lời khẳng định vừa là một lời hứa. Những ai tin vào Chúa Giêsu và đi theo Người thì sẽ không bao giờ thất vọng, vì Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần, thánh Phêrô khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa. Người đã chịu đóng đinh trên thập giá. Người giống như mục tử, vì sự bình an và sự sống của đàn chiên, đã hy sinh mạng sống mình. Bài giảng hùng hồn đã khiến cử tọa khóc lóc đau đớn trong lòng, và đã có thêm ba ngàn người xin gia nhập Đạo Chúa trong ngày hôm ấy (Bài đọc I).
Các đức tính của vị mục tử được thánh Phêrô tông đồ nêu rõ: trung thành, chân thật, phó thác cho Thiên Chúa Cha (Bài đọc II). Cũng như mọi con chiên phải nghe theo mục tử, mỗi tín hữu được mời gọi hãy bắt chước các nhân đức của Đấng đã hy sinh mạng sống vì hạnh phúc con người. Bài học lớn nhất mà chúng ta học được nơi cây thập giá, đó là sự hy sinh vì tha nhân, sống vì người khác, để đem hạnh phúc cho họ.
Vị mục tử đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên không phải chỉ là một nhân vật của lịch sử xa xưa, nhưng hôm nay Người đang sống giữa chúng ta. Người vẫn đang dẫn đưa chúng ta đến bến bờ của sự sống, đó là các bí tích và niềm vui của ân sủng. Giáo hội là một đàn chiên, có Chúa Giêsu là mục tử. “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Chúa Giêsu khẳng định Người là hướng đi cho tất cả những ai muốn đạt tới hoàn thiện. Vào “cửa” có tên là Giêsu là học cùng Người để lĩnh hội giáo huấn Người chỉ dạy. Người cũng là một trường học dạy sự hiền lành và khiêm nhường. Ngôi trường này luôn mở rộng cửa để đón tiếp mọi người. Tại ngôi trường này, con người được gặp gỡ Chúa Cha và gặp gỡ anh chị em trong tình thương mến. Nhờ việc đón nhận và thực hành giáo huấn của Chúa, cuộc đời của chúng ta được biến đổi. Sự biến đổi này thật lạ lùng đến mức làm cho người môn đệ được trở nên như hiện thân của Thầy Giêsu trong lời nói, suy nghĩ và việc làm.
“Hỡi bạn là Kitô hữu, hãy luôn tự hào vì danh xưng ấy” (Thánh Lêô cả Giáo Hoàng). Mỗi chúng ta hãy cảm thấy vinh dự và vui mừng vì được mang danh Chúa Giêsu, đồng thời hãy góp phần mình làm cho đàn chiên Giáo Hội luôn vững mạnh, tỏa sáng giữa lòng đời. Giữa một cuộc sống còn nhiều góc khuất do tội lỗi và hận thù gây nên, hãy làm cho Giáo hội thực sự là Ánh Sáng Muôn Dân, rạng soi thế giới.
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên - TGP Hà Nội
Bình luận