Thứ Sáu, 25 Tháng Mười, 2019 08:03

Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ tội lỗi

 

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Bài đọc 1: Hc 35,12-14.16-18; Bài đọc 2: 2Tm 4,6-8.16-18; Phúc Âm: Lc 18,9-14

 

Trong xã hội Do Thái, ai cũng coi những người thu thuế là tội lỗi. Ở dụ ngôn này, Chúa Giêsu cũng coi họ như thế và chính người thu thuế cũng tự xem mình như vậy. Nhưng người thu thuế này đã lên đền thờ cầu nguyện, nghĩa là anh có thiện chí, muốn từ bỏ tội lỗi và mong được tha thứ. Tuy nhiên, khi xét lại quãng đời tội lỗi đã qua, anh biết rằng anh không thể nào được tha: theo luật, một người lỗi đức công bình nếu muốn được tha thì phải trả hết tiền, còn bồi thường thêm 1/5 nữa. Anh làm sao nhớ hết những kẻ mà anh làm hại, có nhớ cũng không có tiền để trả, huống chi lại bồi thường thêm 1/5... Lòng anh tan nát. Dẫu vậy, anh không tuyệt vọng. Nếu theo luật, anh không thể được tha thì anh sẽ kêu xin đến lòng thương xót của Chúa. Thế là anh thốt lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Ðiểm đáng chú ý là anh thu thuế này đã trích những lời đầu của Thánh vịnh 51 (50): “Lạy Chúa xin xót thương con theo lòng nhân hậu Chúa”. Mà trong Thánh vịnh này cũng có câu “Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung”. Thiên Chúa đúng thật như thế. Người thu thuế đã kêu đến chính nơi phải kêu, chạm tới chỗ phải chạm. Vì vậy Chúa thương xót anh, tha thứ cho anh, như lời Chúa Giêsu nói: “Ta nói cho các ông biết, người này khi trở về thì đã nên công chính rồi”.

Người Pharisêu cũng lên đền thờ cầu nguyện. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra, ông đang độc thoại một mình. Quả thật, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Những điều luật cấm thì ông không dám làm, những điều luật buộc thì ông còn làm hơn mức quy định. Ông thật là con người đúng mực, một con người hoàn hảo, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự mãn tự kiêu nên bao việc lành phúc đức của ông theo “cái tôi” bọt bèo mà trôi ra sông ra biển hết. Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy nó là đức độ của ông chứ không phải là do ơn Chúa; cái tự mãn của ông quá lớn, cho nên ông thẳng thừng khinh miệt anh em.

Sai lầm trầm trọng của ông Pharisêu bắt đầu từ ý nghĩ: “Vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia”. Giá như ông đừng so sánh cuộc sống của ông với người khác, mà biết đem cuộc sống của mình đối chiếu với cuộc sống thánh thiện của Ðức Kitô, thì ông sẽ nhận ra mình còn thiếu sót biết là bao nhiêu, mình còn bất toàn biết là dường nào. Chính khi đó, ông mới cần đến lòng nhân từ xót thương của Chúa, cần đến sự tha thứ và khoan dung của Người. Chính lúc đó, ông mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Sai lầm căn bản của người Pharisêu còn ở chỗ ông đã không nhận ra sự công chính là một ân huệ Chúa ban (Pl 3,9) chứ không phải tự ông mà có, tự ông tuân giữ hoàn hảo các lề luật được. Bởi tự mãn, ông đã mất ơn nghĩa với Chúa.

Người thu thuế nhận mình lầm lỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính bên trong. Nhờ tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính. Như thế, những kẻ cho mình là thánh thiện, là đầy đủ, thì sẽ trở về con số không; còn những kẻ nhận mình là không thì sẽ đủ chỗ cho Ðấng Vô Cùng. Vì phàm “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

 

Lm. Carôlô HỒ BẶC XÁI, Tổng Ðại diện GP Cần Thơ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm