Chúa nhật III Phục sinh - Năm B
Bài đọc 1: Cv 3,13-15.17-19; Bài đọc 2: 1 Ga 2,1-5a; Tin Mừng: Lc 24,35-48.
Tin Mừng Chúa nhật 2 Phục Sinh của tuần trước cho thấy thánh Tôma bẽ bàng khi làm trò cười cho thiên hạ về nỗi thẹn thùng cứng lòng tin. Nhưng 10 tông đồ khác có hơn gì đâu. Trước đó 8 ngày, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, mà Tin Mừng hôm nay thuật lại: Nhóm tông đồ trú ẩn trong Nhà Tiệc ly, không phải một người mà cả một tập thể 10 ông; đã không tin thì chớ, lại còn cả gan ngờ vực Thầy của mình là ma. Có phải là quá tệ và tắc trách không? Các ông không dám nói ra, còn thánh Tôma dại dột phát ngôn, nên bị vạ miệng!
![]() |
Chứng của hai người là chứng thực (Ga 8,17): thế mà hai môn đệ làng Emmau thuật lại điều mắt thấy tai nghe trên đường và tại nhà, các tông đồ không thèm tin đàn em. Trăm nghe không bằng một thấy: các tông đồ gặp một người đầy thương tích, đã không nhận ra, tưởng là thây ma dọa nạt nên sợ hãi. Vậy mắt thấy không bằng tay sờ. Các ông được Chúa cho phép đụng vào châu thân của Chúa, thì “hổng dám đâu”, về sau ông Tôma cũng thế. Còn với các bà đạo đức thì thích ôm chân Chúa (Mt 28,9), nhưng Chúa can lại: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha” (Ga 20,17).
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh có một tiến trình rất khoa học: không tin, bán tín bán nghi, kém tin, mạnh tin và cuối cùng vững tin. Chứng từ của các bà, qua chứng từ của các môn đệ, dẫn đến tiếng nói cuối cùng xác nhận sự thật về Chúa Phục Sinh. Chứng từ của các tông đồ được bảo đảm bằng giá máu tử đạo của các ngài. Không còn nghi ngờ gì về việc Chúa đã chết thật và đã sống lại thật.
Maria Mađalêna là người chứng thứ nhất của Tin Mừng Phục Sinh: không những báo tin vui, mà còn nhắn tin gấp cho các tông đồ đến điểm hẹn tại Galilê, để nhớ lại việc truyền giáo phát xuất từ đây. Nữ thánh xứng đáng là Apostola Apostolorum: Sứ đồ cho Tông đồ. Còn chúng ta, sau khi giác quan được thỏa mãn về việc Chúa hiện ra, đã đến lúc phải làm gì cho tương xứng. Ðây Chúa mách bảo: “Phải nhân danh Ðức Kitô mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48).
Chứng nhân là người mắt thấy tai nghe, như các tông đồ. Còn chúng ta hoàn toàn mù tịt, bịt tai thì làm chứng nhân sao được? Nhưng đừng quên lời Chúa: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúng ta không thấy, nhưng tin vào thế giá của các tông đồ và Hội Thánh, cũng như chúng ta tin vào lời cha mẹ. Hơn nữa mắt xem và tai nghe Lời Chúa trong các sách thánh, nhất là Phúc Âm: có cảm giác “như thấy Ðấng vô hình” và như nghe tiếng Chúa bên tai.
Vật chứng có, chứng từ cũng có rồi, chúng ta làm chứng nhân ra sao? Chúng ta phải cho thế nhân xem thấy cách sống và việc làm như thế nào, nghe thấy lời nói của chúng ta có lọt tai không. Trước hết phải chuyên chăm học nằm lòng Lời Chúa để nhập tâm, thấm vào suy nghĩ và ngôn hành của mình. Từ đó mới có thể loan báo Tin Mừng, vì “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,34b; Lc 6,45). Về phương diện này chúng ta thua kém anh em Tin Lành: rất mạnh dạn đến các gia đình nói về Kinh Thánh.
Chúng ta phải chứng minh là Kitô hữu, không phải phản Kitô; là nhân chứng, chứ không phải ngựa chứng giữa trường đời. Muốn thế, phải thể hiện bằng chính cuộc sống, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Ðức tin được thực hành qua đức ái và “Bác ái trong chân lý” (Caritas in Veritate, Thông điệp của ÐGH Biển Ðức 16, năm 2009). Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Sống theo chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô, vì Người là Ðầu” (Ep 4,15) và thánh Gioan dạy bảo: “Yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hóa, để đạt 2 mục tiêu: công lý và công ích. Công lý đưa đến hòa bình, công ích đưa đến phát triển. Tất cả xuất phát từ tình yêu. Thánh Tôma định nghĩa: yêu thương là muốn điều tốt cho nhau; mà muốn là được (vouloir c’est pouvoir).
Người Công giáo làm công tác về công lý và công ích, mới xứng danh là người công chính. Lối sống của chúng ta là ăn ngay ở lành, phải tránh 12 tật xấu “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21), nhờ đó mới xứng đáng đón nhận 12 hoa quả của Chúa Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết” (Gl 5,22).
Lối sống tử tế trong gia đình và ngoài xã hội là cách làm chứng cho việc Chúa đã sống lại và đang ở giữa chúng ta. Với đức tin có việc làm, chúng ta đáp lời của Ðức Thánh Cha Phanxicô để “đi ra” khỏi tháp ngà quen thuộc, đến với các môi trường khác nhau, dùng lời cầu nguyện và việc làm bác ái trong chân lý, để loan báo Tin Mừng.
LM. Giuse Phạm Bá Lãm - TGP TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.