Thứ Sáu, 31 Tháng Tám, 2018 08:13

Công phúc không phải tự hình thức bên ngoài mà có

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Bài đọc 1: Đnl 4,1-2.6-8 ; Bài đọc 2:Gc 1,17-18.21b-22.27; Phúc Âm: Mc 7,1-8a.14-15.21-23

 

Năm 587, trước khi Chúa Giêsu ra đời, thủ đô Giêrusalem thất thủ, nước Do Thái sụp đổ. Người Do Thái bị bắt đày sang Babylon. Ở xứ lạ quê người, đền thờ không còn, tế tự không còn, niềm tin của dân Do Thái yếu kém đi. Hơn nữa, sống giữa dân ngoại, nhiều người trong số họ dần dà bỏ đạo Chúa và theo các bụt thần. Trước hoàn cảnh đó, các luật sĩ Do Thái đã ra sức cứu vãn niềm tin của dân mình bằng cách đặt ra những luật lệ nhằm bảo vệ đức tin cho tinh tuyền. Vì vậy, có những khoản luật cấm tiếp xúc với kẻ tội lỗi, với những gì gọi là ô uế xấu xa.

Thế nhưng, sau khi lưu đày trở về, các luật sĩ đã đi quá trớn, đưa ra những điều khoản rất tỉ mỉ. Thí dụ: Một người đàn ông phải đi lính thì bị coi là ô uế. Tất cả mùng mền, chiếu gối của họ đều là dơ. Ai đụng tới cũng bị dơ và phải giặt quần áo của mình, và cho dù đã tắm giặt như vậy vẫn còn bị coi là dơ cho đến chiều tối. Xe họ ngồi cũng bị coi là dơ, phải rửa cho sạch. Đàn bà tới kỳ xuất huyết thì bị coi là ô uế suốt 7 ngày. Ai đụng tới họ cũng bị lây ô uế, có tắm giặt cũng còn ô uế tới chiều. Nếu kẻ bị coi là ô uế hoặc lây ô uế khi tắm giặt cũng phải theo những luật khắt khe: lấy nước thì lấy bằng bình đồng, bình sành hay bình gỗ chứ không được dùng bằng thứ bình nào khác. Đụng tới một người ô uế thì phải rửa từ khuỷu tay trở xuống, và phải rửa 2 lần: một lần vì tay bẩn, lần thứ hai để tẩy đợt nước thứ nhất đã bị bẩn khi dính vào tay bẩn của mình. Một thí dụ khác nữa, trước khi ăn thì phải rửa tay cho khỏi những ô uế mà có thể vì vô tình mình đã chạm phải. Người ta kể rằng có một luật sĩ tên là Aqiba thà chết khát trong tù còn hơn vi phạm luật này. Trong tù nước rất ít nhưng ông cũng dùng để rửa tay trước khi ăn dù rửa xong thì không còn nước để uống. Đi tới chỗ quá trớn đó thì trở thành thói vụ hình thức. Và nếu chỉ coi trọng hình thức mà quên phần nội tâm thì trở thành chứng giả hình.

Hình thức và giả hình là hai điều mà Đức Giêsu cực lực công kích trong bài Tin Mừng chúng ta đang suy niệm. Tuy thế, dù sao giữ hình thức cũng dễ hơn giữ nội tâm, cho nên không riêng gì người Do Thái thời xưa, mà cả chúng ta ngày nay cũng dễ mắc thói hình thức và giả hình. Thiếu gì người thích làm đám cưới linh đình, lễ cưới có nhiều cha đồng tế nhưng chẳng lo phần giáo lý cho đôi tân hôn bao nhiêu. Thiếu gì người cha mẹ già còn sống thì bỏ bê, nói nặng nói nhẹ. Chỉ khi cha mẹ nằm xuống mới lo làm tang lễ thật lớn, than khóc bù lu bù loa… Thiếu gì người không khuyến khích con cái đi học giáo lý, nhưng tới ngày Rước lễ, Thêm Sức thì tới xin xỏ, làm áp lực cho con mình cũng có mặt trong ngày lễ trọng đại ấy. Và cũng có lắm người hết sức sùng kính ảnh thánh này, tượng thánh nọ, mà khi đối xử với người khác thì chẳng thấy có chút gì giống tinh thần bác ái, vị tha của các vị thánh đó. Với những kẻ giả hình thời trước cũng như thời nay, lời Đức Giêsu vẫn luôn luôn nghiêm nhặt: “Hỡi bọn giả hình, Isaia đã nói thật chí lý về các ngươi rằng: Dân này kính ta bằng môi miệng, còn lòng nó thì ở cách xa ta, vì nó sùng kính ta cách giả dối” (Mc 7,6).

Thực ra, chúng ta không muốn giả hình mà chỉ vì có bề ngoài thì dễ hơn có bề trong, nên chúng ta bị cám dỗ. Tuy nhiên chúng ta cần ý thức rằng giữ đạo mà không thật lòng mến Chúa, yêu người thì vô ích. Bởi vì công phúc không phải từ bên ngoài nhưng tự trong lòng mà ra, không phải do đọc kinh dự lễ mà có nhưng do tâm tình sốt sắng khi đọc kinh dự lễ. Chính Chúa Giêsu từng nhấn mạnh: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ!” (Mt 9, 13).

Lm Carôlô HỒ BẶC XÁI, GP Cần Thơ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm