(CN XX thường niên - Năm A - Mt 15,21-28)
“Một người đàn bà Canaan kêu lên rằng: Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mt 15,22).
Dân ngoại là những người không phải là con cháu của Abraham về thể lý. Nên bị loại ra không được hưởng lời hứa cho miêu duệ của ông. Dầu vậy, lúc đầu Chúa Giêsu Kitô đã rao giảng Tin Mừng cho dân Israel, nhưng sứ mạng của Ngài đã sớm vươn tới dân ngoại. Khi mở rộng ra, Kitô giáo đã đón nhận dân ngoại là thành viên đầy đủ, không có một phân biệt đối xử nào. Thánh Phaolô tông đồ dân ngoại nhấn mạnh vai trò của họ trong các mục tiêu Thiên Chúa nhắm tới.
Dân ngoại trong tác vụ tại thế của Chúa Giêsu Kitô:
- Chúa Giêsu Kitô tiếp xúc với dân ngoại, như khi cứu chữa đầy tớ của một đại đội trưởng (Mt 8,5-13 // Lc 7,1-10), khi chữa con gái người đàn bà Canaan khỏi bị quỷ ám (Mt 15,21-28 // Mc 7,24-30).
- Giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô về dân ngoại, khi Dân Chúa từ chối, thì “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi …, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,37-43 // Mc 12,1-11 // Lc 20,9-16). Tiên báo về Giêrusalem, Người nói: “… Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21,20-24).
- Giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô về dân ngoại: lúc đầu Chúa Giêsu Kitô truyền cho các môn đệ đi rao giảng cho người Do Thái (Mt 10,5-6), nhưng sau khi sống lại, Ngài trao cho họ sứ mệnh rao giảng sứ điệp về Nước Thiên Chúa cho mọi dân tộc (Mt 28,19-20 x. Mc 16,15-16 Lc 24,46-47).
Thánh Phêrô được sai tới các dân ngoại: thánh nhân qua một thị kiến, được sai tới nhà một viên đại đội trưởng người Rôma, đã phát biểu: “Quý vị thừa biết giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do Thái. Nhưng tôi thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch” (Cv 10,29; x. Cv 10,9-20; 11,5-14; Cv 10,44-48 và Cv 11,15; 15,7-8).
Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, chính thánh nhân quả quyết: “Các ngài thấy rằng tôi đã được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì …” (Gl 2,7; x. Cv 9,15; 22,21; 26,15-23; Rm 1,13-15; 11,13; 15,15-19; Gl 2,2; Ep 3,1; 1Tm 2,7; 2Tm 4,17). Bị người từ khước, thánh nhân tuyên bố: “Từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại” (Cv 18,6; x. Cv 13,46). “Xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này đã được gửi đến cho các dân ngoại” (Cv 28,28).
Sự đáp lời của dân ngoại đối với lời rao giảng của thánh Phaolô: “Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo “ (Cv 13,48; x. Cv 14,1-2; 15,12; 21,19; 1Cr 1,23-24).
Những khó khăn gặp phải trong việc tiếp nhận dân ngoại vào Hội Thánh:
- Vấn nạn về việc hòa đồng với dân ngoại: “Khi ông Phêrô lên Giêrusalem các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, họ nói: Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ” (Cv 11,2-3; x. Cv 11,15-18; Gl 2,12-13).
- Vấn nạn về việc cắt bì (Cv 15,5-31; x. Gl 2,1-5; 5,1-6).
Giáo huấn của Tân Ước về dân ngoại:
- Dân ngoại được chia sẻ quyền thừa tự của Israel Dân Chúa. Thánh Phaolô nói với dân ngoại: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Ðức Kitô Giêsu, nhờ máu Ðức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13). Sách Khải Huyền cho thấy: “Các vị hát một bài ca mới rằng: Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” (Kh 5,9; x. Rm 3,29; 11,11-21; Gl 3,29; Kh 7,9; 14,6)
- Không có sự phân biệt giữa Do Thái và dân ngoại: Chúa Giêsu Kitô nói: “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về …” (Ga 10,16; x. Rm 2,9-11; Ep 2,19-20; Cl 3,11).
Thiên Chúa kêu gọi cả người Do Thái lẫn dân ngoại (Ga 10,16; Cv 13,47-48; Rm 9,24-26; 1Cr 1,24-25; 2Tm 4,17).
Cả người Do Thái và dân ngoại được nên công chính nhờ đức tin (Rm 4,9-12; Gl 3,6-14; 5,6).
LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Bình luận