Thứ Sáu, 22 Tháng Năm, 2020 06:12

Ðiều nên làm trước khi loan báo Tin Mừng

 

CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN - NĂM A

Bài đọc 1: Cv 1,1-11; Bài đọc 2: Ep 1,17-23; Tin Mừng: Mt 28,16-20.

 

 

BIẾN CỐ THĂNG THIÊN

Lễ Thăng Thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Ðức Giêsu. Hình dung Ðức Giêsu đang bay lên giữa các tầng mây, hay đang ngồi bên phải Chúa Cha, chỉ là những cách tưởng tượng. Những hình ảnh tưởng tượng này có cụ thể đối với đầu óc bình dân đấy, nhưng gây tai hại là khiến người ta nghĩ rằng Ðức Giêsu đã xa cách loài người.

Chúng ta phải đi xa hơn những hình ảnh tưởng tượng kia để đạt đến ý nghĩa đích thực của biến cố thăng thiên đó là Ðức Giêsu đã lấy lại vinh quang. Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta luôn mãi, và nhờ vinh quang, Ngài sẽ hỗ trợ đắc lực cho loài người. Như thế, lễ Thăng Thiên không làm cho nhân loại cứ đăm đăm nhìn trời với lòng bùi ngùi luyến tiếc, nhưng khuyến khích chúng ta quay về cuộc sống để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới với lòng đầy hăng hái.

Suy Niệm Lời Chúa: Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm C - DÒNG ĐỨC MARIA NỮ ...

 

Lễ Thăng Thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Ðức Giêsu. Lễ này còn đánh dấu một bước ngoặt trong việc loan Tin Mừng. Trước đây, loan Tin Mừng chủ yếu là việc của Ðức Giêsu, các môn đệ theo Ngài để tập sự. Từ nay, loan Tin Mừng là sứ mạng của các môn đệ. Bởi đó, sách Công vụ ghi lời Ðức Giêsu căn dặn: “Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” ; sách Tin Mừng Mátthêu cũng ghi lời Chúa bảo: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…, để muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.

Tin Mừng thuật lại cuộc họp mặt lần chót của Ðấng Phục Sinh với các môn đệ ở trần thế. Ðây là cuộc gặp gỡ thân mật nhưng mở ra những viễn tượng rộng lớn. Ngay trong giờ phút chia tay đã bắt đầu một sự hiện diện mới, sự hiện diện hằng cửu của Ðấng Phục Sinh: “Thầy ở với chúng con hằng ngày cho đến tận thế”. Chúa ra đi nhưng Ngài không trở thành cố nhân, người của quá vãng. Ngài không để chúng ta côi cút. Ngài vẫn hiện diện, tuy cách hiện diện có khác, bởi vì Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ðã qua rồi cái thời Ngài hiện diện hữu hình. Bây giờ đến thời của lòng tin, của sự tập luyện. Chúng ta tập nhận ra Chúa trong anh em ta, trong các biến cố đời thường.

Ngài vắng mặt, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện qua Chúa Thánh Thần, Ðấng An ủi: “Thầy ra đi là tốt cho anh em, bởi nếu Thầy không ra đi thì Ðấng An ủi sẽ không đến”. Chúa còn hiện diện với chúng ta trong Bí tích bẻ bánh, như ngày xưa Ngài hiện diện giữa hai môn đồ ở làng Emmau. Chúa cũng hiện diện trong các cộng đoàn, nơi có hai ba người họp mặt cầu nguyện, ở bất cứ nơi nào có chia sẻ, thương mến giúp đỡ nhau.

ÐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA

Trong cuộc chia tay, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mệnh làm lan truyền sự hiện diện của Ngài nơi tất cả các dân tộc. Sự hiện diện được thể hiện khi ta tuân giữ giới luật yêu thương, mệnh lệnh tình yêu: “Các con hãy yêu nhau, như Thầy yêu thương các con”. Chúng ta thường nói rằng mình phải loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhưng rất nhiều khi chúng ta lại biết một cách rất mơ hồ, hoặc không biết cho đúng và cho đầy đủ nội dung mà chúng ta phải loan báo. Ðể rồi cuối cùng chúng ta chẳng loan báo gì, hay loan báo một thứ Tin Mừng méo mó.

Nhiều người nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng là tỏ cho người khác biết mình là Kitô hữu, là làm dấu thánh giá nơi quán ăn, là can đảm xưng mình là người Thiên Chúa giáo. Kẻ khác nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là cố gắng sống cho thật đạo đức, năng đi lễ, năng chịu các bí tích, với mục đích làm gương sáng cho người xung quanh, đồng thời khuyên mọi người làm như vậy. Người khác nữa thì gặp những người ngoại đạo mình quen biết, liền tìm cách thuyết phục họ vào đạo, bằng cách nói cho họ biết vào đạo thì được Chúa ban ơn này ơn kia…

Kết quả của những việc đó có thể là chúng ta lôi kéo được một số người vào đạo, hoặc làm cho nhiều người khô khan năng đi lễ, năng đến nhà thờ, năng chịu các Bí tích hơn, hoặc làm cho đời sống gia đình của họ trở nên đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn… Tất nhiên khi làm được những việc ấy công lao của chúng ta rất lớn. Nhưng loan báo Tin Mừng có phải là chỉ làm như vậy không? Tất cả những người này họ đã biết Tin Mừng là gì chưa, đã cảm nghiệm được Tin mà họ nghe là một tin đáng mừng, làm cho đời sống họ hạnh phúc lên chưa?

Tất cả những điều đó là những điều nên làm, cần làm, nhưng để loan Tin Mừng cho đúng nghĩa, chính ta phải biết Tin Mừng là gì. Nếu không như thế, thì mình chỉ làm công việc “mù mà lại dắt mù” và kết quả là cả hai sẽ lăn cù xuống hố, (Mt 15,14; Lc 6,39).

Thật vậy, nếu chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống, chưa thật sự thay đổi con người cũ, mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên cuộc đời người khác, thì có khác gì cho đi cái mình chẳng có? Vì vậy, chúng ta cần phải năng học hỏi về Tin Mừng, chia sẻ Tin Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta. Có như thế, việc loan báo Tin Mừng mới có sức thuyết phục.

 

Lm. Carôlô Hồ Bặc xái, Tổng Ðại diện GP Cần Thơ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm