Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, 2022 17:07

Đính ước (hôn nhân)

CN  XXVII tn  - Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Năm C   - Lc 1,26-38

Sứ thần Gabriel “gặp một trinh nữ đã đính hôn...” (Lc 1,27)

Đính ước là một lời hứa có tính long trọng và ràng buộc, thường có thế chấp bằng những hạng mục có giá hay của cải, như một bảo đảm rằng lời hứa sẽ được thực hiện. Phá bỏ hôn ước là phạm tội chống lại Chúa.

Đính ước có tính ràng buộc: “khi người đàn ông nào khấn hứa với Đức Chúa hay thề hứa tự buộc mình làm điều gì, thì người ấy sẽ không được lỗi lời mình: người ấy phải thực hiện những gì miệng mình đã nói ra” (Ds 30,3). Sách Ds 30,3-15 tiếp theo, nói tới việc con gái hay người vợ khấn hứa đều có hiệu lực, nhưng người cha hay người chồng có thể hủy bỏ nó.

Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa - Giáo xứ Thánh Giuse

Có những kết ước được thực hiện cách long trọng: “Đứng trên bệ cao, vua lập giao ước trước nhan Đức Chúa, và hết lòng hết dạ tuân giữ các mệnh lệnh, chỉ thị và quy tắc của Người, để chu toàn các khoản của giao ước được ghi chép trong sách đó. Toàn dân chấp nhận giao ước” (2V 22,3 // 2Sb 34, 31-32 x. 1Sb 29,24 Ed 10,19 Ed 17,16-18 Mk 7,20 1Pr 3,21).

Những kết ước được đảm bảo là lời hứa phải được tuân giữ:

- Có những điều khoản để bảo đảm cho một kết ước. Hãy nhớ lại câu chuyện giữa ông Giuđa và con dâu góa chồng Tama của ông sau khi vợ chết. Ông đã muốn ăn ở với cô đã giả làm gái điếm mà ông không biết. Cô đã đòi vật làm tin: chiếu ấn của ông, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay. Ông đưa cho nàng những thứ đó, rồi đến với nàng và nàng có thai với ông. Nhờ những vật chứng này mà thay vì đòi thiêu sống con dâu mình. Ông Giuđa đã phải nhìn nhận: “Nó công chính hơn tôi” (St 38,6-19; Xh 22,26-27; Đnl 24,10-13; Cn 20,16; 27,13).

- Yêu sách bất công trong các kết ước đáng bị kết án: “Anh em không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm” (Đnl 24,17; x. G 22,4-6; 24,2-3; Am 2,6-8).

Cảnh báo chống lại những kết ước nhân danh người khác: “Ai bảo lãnh người lạ sẽ chuốc họa vào thân, kẻ ghét chuyện giao kèo được bình yên vô sự” (Cn 11,15; x. Cn 6,1-5 mô tả chi tiết hơn sự bảo lãnh thiếu khôn ngoan; Cn 17,18: “Đứa ngu mới ký giao kèo, mới đứng ra bảo lãnh cho bè bạn”; Cn 22,26-27).

  Hôn ước và lễ đính hôn: Tin Mừng thánh Luca khi kể về việc truyền tin cho Đức Maria đã ghi lại: “Sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27). Hai lần thánh Luca dùng từ “trinh nữ” chứ không phải: thiếu nữ hay thiếu phụ, để nhấn mạnh: Đức Maria chính là người trinh nữ sinh hạ Đấng Mêsia, như nhiều người đã nghĩ tới khi đọc lời tiên tri Is 7,14. Tường thuật về cuộc truyền tin cho thánh Giuse, thánh sử Matthêu viết: “Bà Maria, mẹ Người đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần ...” (Mt 1,17-18). Lễ đính hôn này có sự ràng buộc nhiều hơn tập quán ngày nay, và nó chỉ có thể bị tiêu hủy bằng việc ly dị và người phụ nữ đã đính hôn được coi là người vợ (x. Xh 22,16; Đnl 22,23-25).

 

LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm