Ðem tình yêu Chúa Giêsu đến cho những người đau khổ

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - NĂM A

Bài đọc 1: Cv 2,42-47; Bài đọc 2: 1 Pr 1,3-9.; Tin Mừng: Ga 20,19-31.

LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Hằng ngày tôi đọc báo, xem truyền hình và có nhiều tiếp xúc. Nhờ vậy tôi được biết là hiện nay những người đau khổ chiếm một số đáng kể. Trên thế giới họ đang là một vấn đề lớn. Rất may là vấn đề lớn đó cũng như tiếng gọi khẩn thiết đó đã và đang đánh thức được nhiều lương tâm. Bác ái từ thiện được khơi dậy và thực hiện đều khắp dưới nhiều hình thức. Nhà nước làm, tôn giáo làm, đoàn thể làm, cá nhân làm. Nhưng những đau khổ cũ chưa tan, thì những đau khổ mới lại bùng lên. Cảnh đó làm tôi rất buồn. Nhờ đức tin, lòng tôi càng buồn, thì càng gần lại bên Chúa Giêsu.

Trong thinh lặng âu yếm, Chúa Giêsu dạy tôi hãy nhìn vào trái tim Người, một trái tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Người nhắc lại cho tôi nhớ lời xưa Người đã nói: “Cha chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Trong giây lát, Người cho tôi hiểu: Dù làm việc thiện nào cho người đau khổ, tôi cũng hãy mang tình yêu của trái tim Chúa đến cho họ. Tôi xin vâng. Nhưng, làm thế nào để mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho người đau khổ trong mọi việc tôi làm cho họ? Thú thực là để thực hiện điều đó, tôi luôn phải nhờ đến ơn Chúa.

Chúa ban ơn đó cho tôi, nhưng Người bảo tôi phải cầu nguyện, chiêm niệm. Như thể ơn Chúa ban là rất cao quý, tôi phải có chút phần nào cộng tác vào đó, bằng sự mở lòng tôi ra một cách khiêm nhường, nghèo khó. Tôi nhận mình hèn yếu, nhưng vững tin vào tình yêu của Trái Tim Chúa đã hy sinh vì tôi và vì mọi người. Dần dần, khi cầu nguyện như thế, tình yêu Trái Tim Chúa đã đi vào lòng tôi. Tình yêu ấy như làm cho lòng tôi, dù đang nặng nỗi đau buồn, lại nở ra hoa, một thứ hoa có yêu thương và vui mừng. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái và niềm vui” (Gl 5,22).

Từ kinh nghiệm nội tâm trên đây, tôi có một cái nhìn riêng về tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho những người đau khổ. Tôi thấy tình yêu cao quý ấy có ba đặc điểm này: Yêu thương, hy sinh và vui vẻ phục vụ. Với cái nhìn đó, tôi dễ nhận ra những ai đến với tôi mà thực sự mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho tôi. Với cái nhìn đó, tôi cũng dễ nhận ra khi tôi phục vụ, nhất là những người đau khổ, tôi có mang tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến cho họ thực không?

Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu có một dấu chỉ sống động và hùng hồn, đó là vết thương do bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Với dấu chỉ đó, tôi hiểu thấm thía tình yêu luôn cần được minh chứng bằng hy sinh. Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh không yêu thương là hy sinh thừa. Yêu thương thực bao giờ cũng đẹp nhờ biết hy sinh. Nếu tôi yêu thương đoàn chiên của tôi, nhất là những người đau khổ, thì yêu thương của tôi cần phải được minh chứng bằng một dấu chỉ chắc chắn, đó là hy sinh. “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Hy sinh, mà các mục tử đã và đang làm gương cho tôi, gồm rất nhiều thứ xảy ra thường ngày. Hy sinh về thân xác thì dễ thấy. Hy sinh trong tâm hồn thì khó thấy, nhưng lại rất nhiều. Một trong những hy sinh trong tâm hồn, mà tôi học được nơi các ngài là sự tỉnh thức, khi làm từ thiện bác ái, phục vụ người đau khổ.

Tỉnh thức tránh sự phô trương. Các ngài nhớ lời Chúa phán: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy, khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thật, Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,1-2).

Tỉnh thức tránh sự lừa dối. Các ngài luôn rất minh bạch về tiền của dâng cúng. Thái độ minh bạch của các ngài làm tôi nhớ lại chuyện ông Khanania và vợ là Xaphira xưa đã gian lận, lừa dối các tông đồ trong việc dâng cúng của cải, và họ đã bị Chúa phạt chết tươi (x. Cv 5,1-11).

Tỉnh thức tránh cho việc từ thiện khỏi bị lợi dụng để kết thành những nhóm lợi ích riêng (x. Ga 2,18-19).

Tỉnh thức tránh thiếu tế nhị trong việc làm từ thiện và phục vụ. Làm cho người đau khổ là làm cho chính Chúa Giêsu.

Dù tỉnh thức đến đâu, tôi vẫn thấy mình còn rất xa tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu, nên hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, tôi chỉ biết kêu cầu Chúa một lời vắn tắt này: Lạy Chúa, xin thương xót con. Tôi kêu cầu với lòng tin tuyệt đối. Rồi, dù như bị đóng đinh vào thánh giá là bệnh tật, già yếu, tôi vẫn ra đi, đến những người đau khổ bằng nhiều cách có thể. Cho dù thân phận mong manh, tôi vẫn mang đến cho họ chút tình yêu của Trái Tim Chúa. Tôi yêu thương họ, tôi hy sinh cho họ, tôi vui lòng được phục vụ họ. Và như vậy, tôi sẽ là của lễ, hiệp cùng của lễ Chúa Giêsu dâng chính mình trên thánh giá xưa. Kết quả là sẽ góp phần vào công việc cứu độ những người đau khổ, mà Chúa Giêsu thực hiện.

Trên đây là một chia sẻ rất chân thành. Nếu đó là một chứng từ nói lên kinh nghiệm về tình yêu của Trái Tim Chúa nơi một con người hèn yếu như tôi, thì thiết nghĩ đây là một đóng góp vào Tin Mừng cho tình hình tại Quê Hương Việt Nam yêu dấu hôm nay. Nói lên kinh nghiệm về tình yêu Thánh Tâm Chúa, chứ không nói về lý thuyết, đó là điều tôi mạo muội làm. Xin Chúa thương nhận và ban phép lành cho những ai quan tâm đến kinh nghiệm nhỏ bé của tôi, và cầu nguyện cho tôi. Hy vọng như thế đang là một niềm vui giúp tôi càng tin vào tình yêu thương xót Chúa. Xin hết lòng tạ ơn Chúa.

GM. GB BÙI TUẦN - GP LONG XUYÊN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Điếc
Điếc
Điếc là tình trạng của một người hoàn toàn hoặc một phần nào không nghe được. Từ điếc có thể dùng để diễn tả những giới hạn về thể lý hay thiêng liêng, nó thường được dùng để mô tả sự nổi loạn thiêng liêng.
Theo Chúa vì tin
Theo Chúa vì tin
Nghe và nói là chức năng quan trọng. Nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXII thường niên - năm B
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Chúc tụng
Chúc tụng
Chúc: mừng, mong ước điều may mắn cho người khác; tụng: khen. Chúc tụng: khen ngợi.
Thanh tẩy
Thanh tẩy
“Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa” (Mc 7,2).
Ðức tin tinh tuyền
Ðức tin tinh tuyền
Vài năm trở lại đây, cuộc sống kinh tế có phần cải thiện và những khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo cũng đã được tháo cởi, nhờ đó các cộng đoàn tín hữu có nhiều biến chuyển trong những thực hành đạo đức.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXI thường niên - năm B
Đức Giêsu nhận mình là Đấng từ trời xuống (Ga 6,38.42; x. Ga 3,31). “Trời” được coi là thế giới của Thiên Chúa (Ga 3,27), thế giới của Thần Khí (Ga 1,32).
Bỏ đạo, sự
Bỏ đạo, sự
Sự bỏ đạo Công giáo được thấy ở nhiều mức độ và nhiều dạng thức khác nhau như: bỏ đạo một cách hiển nhiên hay không hiển nhiên.
Tin, nhận chúa Giêsu
Tin, nhận chúa Giêsu
Vừa định cư tại Đất Hứa, dân Chúa đã bị cám dỗ chạy theo các thần ngoại lai, khiến Giosuê phải mời gọi họ lặp lại giao ước với Thiên Chúa. Dân đã đáp lời (Gs 24).