Thứ Sáu, 22 Tháng Tư, 2022 08:22

GIÁO HỘI: Cộng đoàn nhân chứng cho Ðấng Phục Sinh

 

Chúa nhật II Phục sinh, năm C

Bài đọc 1: Cv 5,12-16; Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Tin Mừng: Ga 20,19-31

 

Nếu trong thời gian Ðức Giêsu còn tại thế, cộng đoàn tín hữu chỉ thu hẹp nơi những ai trực tiếp theo Người để nghe giảng dạy, thì sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, cộng đoàn ấy đã trở nên mạnh mẽ, đông đảo hơn nhiều.

Tác giả sách Công vụ tông đồ diễn tả với chúng ta Giáo Hội như một cộng đoàn nhân chứng cho Ðấng Phục Sinh (Bài đọc I). Cộng đoàn ấy không còn phân biệt người Do Thái hay dân ngoại, nhưng giang rộng vòng tay đón nhận tất cả những ai thành tâm thiện chí tin vào Ðức Giêsu. Số những người tin Chúa gia tăng ngày một đông đảo và họ chuyên tâm thờ phượng Chúa. Với sự kiện Ðức Giêsu Phục Sinh, Giáo Hội bước sang một giai đoạn mới, như một mùa gặt bội thu. Nhờ sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh, các tông đồ có thể làm phép lạ, như Chúa Giêsu khi Người còn ở trần gian. Toàn dân kéo đến với các ngài, như trước đây họ tuôn đến với Chúa Giêsu để lắng nghe giáo huấn và xin làm phép lạ. Nhờ khả năng làm phép lạ, uy thế của các tông đồ ngày một tăng thêm. Các tông đồ cũng như mọi tín hữu, đều xác tín rằng, Ðấng Phục Sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn và Người làm nên sức mạnh cũng như sự tăng trưởng của Giáo Hội. Thánh Gioan tông đồ, trong một thị kiến, đã thấy Chúa Giêsu, với lời tuyên bố: “Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời…” (Bài đọc II).

 

Ðối với một số người khác, vấn đề Ðức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu cũng gây những tranh cãi và bất đồng ý kiến. Họ chỉ tin khi được trực tiếp gặp gỡ Ðức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại. Tiêu biểu cho những người có tư tưởng này là Tôma. Ông là một trong nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu chọn từ ban đầu. Vào ngày Chúa từ cõi chết sống lại hiện ra với các tông đồ, Tôma không có mặt ở đó. Nay ông muốn được kiểm chứng. Ông lên tiếng thách đố phải có những bằng chứng trực tiếp thì mới tin. Thiên Chúa là Ðấng quyền năng, nhưng thiêng liêng vô hình. Tin là chấp nhận Chúa hiện diện mặc dù không nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Mà thực ra, khi đã kiểm chứng được bằng giác quan thì chẳng cần phải tin. Hai ngàn năm đã qua, rất nhiều người tin vào Ðức Giêsu, và nhờ Ðức tin mà họ nên hoàn thiện. Tuy vậy, cũng có những người không chấp nhận Ðức Giêsu như đối tượng của niềm tin. Có thể họ chỉ coi Người như một nhân vật lịch sử, đã sinh ra và đã chết đi như biết bao vĩ nhân khác.

Khi hiện ra với các tông đồ và có mặt Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã đáp ứng những thách thức của ông: “Ðặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma đã đạt được điều ông thách thức, nhưng ông không dám kiểm chứng trực tiếp như mong muốn trước đó, kể cả khi có lời gợi ý của Thầy mình. Ông chỉ còn biết quỳ gối xuống mà tuyên xưng Ðức tin, tôn nhận Người là Chúa và là Thiên Chúa. Ðó là lời tuyên xưng Ðức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Ðó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.

Hằng năm chúng ta đều cử hành lễ Phục Sinh. Nơi suy nghĩ của một số tín hữu, ngày lễ này như một nếp sống văn hóa. Bầu khí sôi động tưng bừng của lễ Phục Sinh đang dần khép lại. Mọi sinh hoạt của các cộng đoàn tín hữu đang trở lại với nhịp sống bình thường. Sứ điệp của Lễ Phục Sinh có nguy cơ bị coi nhẹ, thậm chí quên lãng nơi nhiều người.

Ý thức Ðức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện nơi cộng đoàn, mỗi tín hữu hãy mở lòng đón nhận Người và thay đổi cuộc sống, nhờ đó thực sự được sống lại với Ðức Kitô. Ðức Thánh Cha Phanxicô từng mời gọi các tín hữu “Hãy mở toang những nấm mộ đóng kín của chúng ta cho Chúa Giêsu bước vào”. Người Kitô hữu, khi tham dự Lễ Phục Sinh, phải để cho ân sủng của Chúa biến đổi cuộc đời. Nơi mỗi cá nhân có những ngôi mộ đóng kín. Ðó là sự ích kỷ, giận hờn và mâu thuẫn đối với những chị em xung quanh. Ðức Thánh Cha diễn giải thêm: “Chúng ta cũng vậy, cũng như Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể có được sự sống khi cứ mãi buồn phiền, thất vọng, và trở thành tù nhân của chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở toang những nấm mộ đóng kín ra cho Chúa - mỗi người chúng ta đều biết những nấm mộ ấy là gì -, để cho Chúa Giêsu bước vào và ban cho chúng ta sự sống; hãy dâng cho Người những viên đá hận thù và quá khứ, những tảng đá nặng nề của những yếu đuối và vấp ngã. Người muốn đến và đưa tay kéo chúng ta ra khỏi mối lo lắng. Những tảng đá đầu tiên phải lăn ra trong đêm nay là sự thiếu niềm hy vọng vốn bị nhốt kín vào chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy khủng khiếp của những Kitô hữu không có niềm hy vọng, sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể các vấn đề của chúng ta là trung tâm của đời sống”.

“Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”, Chúa Giêsu Phục Sinh đang nói với tôi, với bạn và với mọi tín hữu hôm nay. Xin cho chúng ta có niềm tín thác tuyệt đối nơi Chúa, một niềm tín thác không cần bằng chứng, nhưng nhờ cảm nhận bằng trái tim chân thành, nhờ đó, mỗi người sẽ trở nên những chứng nhân của Chúa Phục Sinh giữa lòng thế giới.


 

TGM GIUSE  VŨ VĂN THIÊN - TGP HÀ NỘI

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm