GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Mt 22,1-14; thứ Năm, tuần XX Thường niên)

1. CHUYỆN CHÚNG MÌNH:

Cả nhà trang trọng dự đám cưới online khi TP.HCM giãn cách giữa mùa dịch Covid-19

Người thân bị kẹt ở khu phong tỏa phòng dịch Covid-19,cô dâu chú rể ở Tp.HCM quyết định tổ chức đám cưới online qua Zoom.Lễ cưới diễn ra trang trọng, ấm áp khiến dân mạng không tiếc lời chúc phúc.

Theo tìm hiểu củaThanh Niên,chủ nhân của đám cưới online đặc biệt này là cô dâu Phạm Trương Khánh Thi và chú rể Trần Văn Quan.Những hình ảnh về đám cưới độc đáonày được chị Phạm Trương Bảo Khánh (28 tuổi, em gái của cô dâu kiêm nhiếp ảnh gia buổi tiệc) đăng lên trang cá nhân.

Một ngày chuẩn bị xong... đám cưới

Chị Khánh kể gia đình hai bên mỗi người đang ở một nơi, bố cô dâu ởĐà Nẵng, mẹ thì đang sống tại Tp.Thủ Đức, cô dâu ở gần đó, chị Khánh ở ngoại ô Tp.HCM còn gia đình nhà trai ở Huế. Một vài họ hàng thân thuộc sống tại nước ngoài. Trong điều kiện ngặt nghèo củagiãn cách xã hộinên đám cưới đã diễn ra ở Tp.HCM ngày 17.7 tại chung cư cô dâu đang ở.

Trước đám cưới một ngày, chung cư của cô dâu có ca nhiễmCovid-19nên tạm thời phong tỏa phòng dịch, may mắn trước đó chú rể đã đến nhà cô dâu ở để chuẩn bị cho đám cưới. Không những vậy, chung cư của mẹ cô dâu cũng có ca F1 nên không tiện ra ngoài, bố mẹ của chú rể ở Huế cũng đang ở trong khu vực phong tỏa.

“Khu bên nhà mình cũng ở giữa hai khu cách ly nên cũng không mua sắm gì được nhiều”, chị Khánh tâm sự.

Cô dâu Khánh Thi cho biết, từ tháng 4 gia đình chị đã lên kế hoạch cho đám cưới vào ngày 17.7 và hoàn thành đăng ký kết hôn vào tháng 5. Dự tính đám cưới sẽ được tổ chức tại nhà thờ, tư gia, nhà hàng. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Tp.HCM, đám cưới dời lại. Đến tối 15.7, chị Khánh và cả gia đình bất ngờ nhận được thông báo từ cô dâu về việc giữ nguyên ngày cưới. Sáng hôm sau, cả gia đình bắt đầu gọi điện cho nhau, bàn bạc về cách tổ chức thế nào.

“Khi tổ chức online, khách mời gói gọn hai bên nội ngoại trong 25 người. Thêm điều đặc biệt, mẹ mình là con thứ 7 ở trong nhà, anh trai cưới ngày 7.7, chị gái chọn cưới ngày 17.7 nên không muốn dời lại sau dịch”, chị Khánh tiết lộ.

Rước dâu từ... phòng này qua phòng kia

Hôn lễ online diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút,lễ rước dâutượng trưng bằng việc rước dâu từ phòng này qua phòng kia có bạn của cô dâu làm chứng. Vì làmđám cưới online, không biết tham khảo từ ai nên chị Khánh cùng gia đình cố gắng giữ những nghi thức truyền thống nhưng ứng dụngcông nghệvào buổi lễ. Anh cả cô dâu là chủ lễ, kiêm luôn MC giới thiệu và chủ trì hoạt động trên... ứng dụng Zoom. Chị Khánh là nhiếp ảnh gia, chụp quay màn hình lại để làm album và dựng thành... phóng sự cưới.

Đại diện đàng trai đàng gái cũng phát biểu, trò chuyện với nhau qua ứng dụng Zoom. Khách mời dự online vẫn ăn mặc rất chỉn chu, trang điểm rạng rỡ. Riêng cô dâu Khánh Thi, dù thiếu vắng người thân bên cạnh trong ngày trọng đại nhưng cảm thấy rất vui và ấm áp, bật khóc vì cảm thấy được yêu thương. Lễ phục của cô dâu và chú rể được cả hai chuẩn bị trước dịch, chân đèn và bàn thờ gia tiên tại nhà cô dâu được mẹ may lại rồi ship qua.

“Lúc chụp hình cưới thì đã mua quần áo cho chú rể, áo dài cũng đã đặt mua. Nhưng khi Tp.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 thì tụi mình đặt đồ trang trí trên mạng rồi ship đến. Lúc tự chuẩn bị bàn thờ tại nhà, mình chỉ biết chuẩn bị những thứ cơ bản nhưng khi bật Zoom lên mới thấy bàn thờ của gia đình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng long trọng nên cảm thấy rất xúc động”, cô dâu tâm sự.

“Qua đám cưới online của chị, mình nhận ra tình cảm gia đình dành cho nhau không phải trên các thủ tục mà ở sự quan tâm thấu hiểu lẫn nhau”, chị Khánh bày tỏ.

Lê Hồng Hạnh

(Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/ca-nha-trang-trong-du-dam-cuoi-online-khi-tphcm-gian-cach-giua-mua-dich-covid-19-1420977.html)

2. NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Stt

Quốc gia

Được chữa khỏi

Tử vong

Tổng số

1

Nam Phi

2.402.020

78.377

2.638.981

2

Ukraine

2.198.220

53.336

2.268.666

3

Israel

896.124

6.723

962.193

4

Việt Nam

115.059

6.770

301.904

Thế giới

188.172.508

4.403.874

210.015.219

Cập nhật lúc 6g20 ngày 19.8.2021

3. KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (Mt 22,1-14; thứ Năm, tuần XX Thường niên)

Dụ ngôn được kết bằng câu: “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”. Có người hiểu câu này về dụ ngôn thứ nhất, tức là nói đến việc người Do Thái đã được gọi trước, nhưng hiện nay bị loại, không được vào Hội Thánh vì đã từ khước Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng nên hiểu về dụ ngôn thứ hai, tức ám chỉ đến việc không phải tất cả những người được mời vào Hội Thánh, cuối cùng sẽ được nhận vào tiệc Thiên đàng. Bởi vì có kẻ không sống ơn gọi làm tín hữu lúc Thiên Chúa đến phán xét. Thiết tưởng, Lời Chúa nói ở đây có thể và phải hiểu về cả hai. Trước tiên, mọi người dân Do Thái đều được mời gọi tin vào Đức Giêsu; mặc dù đại đa số đã từ chối, nhưng cũng có một ít người tin theo và được chọn ăn tiệc trong Hội Thánh. Nhưng nhất là lời này hiểu về trách nhiệm cá nhân của tất cả mọi người đã được phúc tin Đức Giêsu và gia nhập Hội Thánh. Tất cả đều được gọi vào Hội Thánh, nhưng chỉ những ai chấp nhận trách nhiệm sống đức tin trong Hội Thánh, mới được chọn vào cuộc sống đời đời.

Có lẽ không có sự phiền muộn nào đau khổ hơn khi tình yêu bị phản bội, khi quà tặng được trao ban nhưng lại bị từ chối đón nhận. Có được kinh nghiệm ấy, chúng ta mới hiểu được tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, một tình thương mà mãi mãi chúng ta không bao giờ có thể hiểu thấu vì sao nó luôn được trao ban trong khi vẫn không ngừng bị phản bội, bị chối từ.

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay, đã muốn nhắc lại cho chúng ta tình thương lạ lùng ấy của Thiên Chúa đối với con người. Thật vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho nhân loại có thể ví như một bữa tiệc đã dọn sẵn và tất cả chúng ta đều như những thực khách đã được mời trước; còn Thiên Chúa thì giống như một vị vua mở tiệc cưới cho con của mình. Nhưng thật không ngờ, vị vua ấy hôm nay lại bị bẽ mặt khi những thực khách đã được mời trước lại nhất mực chối từ. Họ từ chối thẳng thừng vì những lý do xem chừng rất hợp lý với toan tính đời thường. Tuy nhiên, điều mà người ta vẫn coi trọng thì lại chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa; càng bất tương xứng với việc được mời đến dự tiệc mà Ngài đã khoản đãi.

Như thế, có thể nói, lịch sử của dân Do Thái xưa và của nhân loại hôm nay là một chuỗi những phản bội lại tình thương cứu độ của Thiên Chúa; là một chuỗi những khước từ lời mời gọi đón nhận ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu, khi Ngài chấp nhận hạ mình để sống kiếp phàm nhân cùng nêu gương cho người ta bắt chước. Thiên Chúa muốn thâu tập lại, còn con người thì cứ tìm cách chạy theo tính toán của riêng mình. Thiên Chúa ra sức lôi kéo con người vào hưởng nếm sự sống vĩnh cửu; còn họ thì cứ thích loay hoay với những thực tại chóng qua. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương tất cả mọi người và chưa khi nào dừng khát khao trao hiến. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ; đó là thứ khát khao mang giá trị trường cửu. Tình thương ấy vượt lên trên cũng như bất chấp sự phản bội của nhân loại này.

Tuy nhiên, để đón nhận được ơn cứu độ, con người phải có thái độ và đời sống xứng hợp. Vị khách bị nhà vua đuổi ra khỏi phòng tiệc là vì anh ta đã không mặc áo cưới. Áo cưới của Kitô hữu chúng ta chính là các nhân đức, là đời sống thánh thiện, là chiếc áo trắng mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Nói cách khác, mang danh là Kitô hữu thì chưa có gì là bảo đảm chắc chắn để được cứu độ, mà còn phải mặc lấy những tâm tình và cách sống của chính Đức Giêsu nữa. Điều đó cũng có nghĩa rằng, chúng ta không chỉ giữ đạo mà còn phải biết sống đạo trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Nói khác đi, mang danh là Kitô hữu thôi thì chưa đủ, nó còn cần phải biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể, bằng chứng tá sống động và bằng sự mau mắn đáp lời gọi mời của Chúa trong tin yêu, phó thác.

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng hải hà mà thết đại bữa tiệc Nước Trời và kêu mời hết thảy mọi người chúng con tham dự. Xin cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị bộ y phục cưới cho xứng đáng là tâm hồn trong sạch và đầy tình yêu mến. Xin đừng để chúng con vì mải mê thế sự thăng trầm mà bưng tai bịt mắt trước lời mời gọi đến dự tiệc cưới của Con Chiên. Xin Chúa đừng để chúng con chây lì trong tội mà đánh mất đi cơ hội được tắm mát trong dòng suối ân sủng của Ngài.

4. LỜI BÀN

- Trình thuật Tin Mừng hôm nay thực ra là hai dụ ngôn khác nhau. Chúng ta sẽ nắm được ý nghĩa của chúng cách rõ ràng và đầy đủ hơn khi chúng ta tìm hiểu hai câu chuyện riêng biệt. Những biến cố của dụ ngôn này hoàn toàn phù hợp với phong tục bình thường của người Do Thái. Đối với những bữa tiệc lớn như tiệc cưới, khi thiệp mời được gửi đi thì thời gian không xác định rõ, và khi mọi việc đã xong đâu vào đó thì người giúp việc mới đi mời lần cuối cùng và xin quan khách đến dự. Như vậy, vị vua trong câu chuyện này đã gửi thiệp mời lâu rồi; cho tới khi mọi việc sẵn sàng thì lời mời cuối cùng mới được gửi đi nhưng đã bị người ta từ chối cách kkhẽ khàng. Câu chuyện này có hai ý nghĩa.

  1. Ý nghĩa thứ nhất có tính cách thực tế địa phương. Ý nghĩa địa phương ấy đã được đề cập trong dụ ngôn nói về những người làm vườn gian ác (Mt 21,33-44) và thêm lần nữa, đây là lời tố cáo người Do Thái. Quan khách được mời nhưng đến giờ thì lại từ chối không đến. Họ tiêu biểu cho người Do Thái. Từ xưa, họ đã được Chúa mời gọi làm tuyển dân của Ngài, nhưng khi Con Thiên Chúa đến thế gian, và họ được mời tin theo Ngài, tin nhận Ngài thì họ đã khinh dể, đã từ chối lời mời đó một cách thẳng thừng. Rốt cuộc, lời mời của Chúa hướng đến các tội nhân và người ngoại, vốn là những kẻ không bao giờ kỳ vọng được mời vào Nước Trời. Tác giả Tin Mừng đã nhìn thấy những hậu quả của sự khước từ này rất khủng khiếp. Đó là việc nhà vua sai quân lính đi tiêu diệt những kẻ không nhận lời mời và đốt phá thành của họ. Mới nhìn qua thì việc sai quân đi tru diệt và đốt phá thành phố dường như không ăn nhập gì với việc mời dự tiệc cưới. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, kinh thành Giêrusalem thật sự đã bị tàn phá. Thành phố bị cướp bóc, còn Đền thờ thì bị phá hủy, đến nỗi không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Tai họa này đã đến cho kẻ không chịu nhìn nhận Con Thiên Chúa, khi Ngài đến thế gian. Tác giả Tin Mừng đã bình luận bằng cách ghi thêm những điều khủng khiếp đã thật sự xảy ra cho một quốc gia đã từ chối đường lối của Thiên Chúa. Và quả thật đó là một sự kiện lịch sử. Nếu dân tộc do Thái chấp nhận đường lối của Đức Giêsu, bước đi trong yêu thương, khiêm nhường và hy sinh thì có lẽ họ đã không bao giờ gây chiến và nổi loạn để cuối cùng Rôma phải tức giận, trả thù và thôn tính họ.

  2. Tuy nhiên dụ ngôn này đồng thời cũng nói đến nhiều điều ở phạm vi rộng hơn. Nó nhắc chúng ta:

  • + Lời mời của Chúa là mời đến dự một bữa tiệc vui vẻ như một đám cưới. Ngài mời đến để vui vẻ. Nếu cho Kitô giáo là buồn tẻ vì phải bỏ hết mọi thứ có thể mang lại nụ cười, ánh mặt trời và mối tương quan hạnh phúc cho đời sống là đã nghĩ sai hoàn toàn. Khi Kitô hữu được mời là được mời đến với sự vui vẻ và chúng ta sẽ mất niềm vui đó nếu chúng ta từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa.

  • + Những lý do khiến chúng ta khước từ lời mời của Chúa không hẳn là những lý do xấu. Người ra thăm nông trại, kẻ đi buôn bán; không ai từ khước để chơi bời, chè chén say sưa, hay làm những việc vô đạo đức. Như thế, người ta sẽ vì bận rộn với những điều tạm bợ mà quên đi những điều vĩnh cửu. Quá bận tâm tới những điều mắt thấy được thì dễ quên những điều mắt không nhìn thấy. Quá chăm chú nghe những lời mời gọi của thế gian, sẽ không nghe được tiếng mời gọi êm dịu của Đức Giêsu. Thảm kịch của đời sống chính là những cái tốt thường làm hỏng những điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho cuộc đời mình, quá bận rộn với việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống.

  • + Đức Giêsu không kêu gọi chúng ta suy nghĩ nhiều về hình phạt sẽ chịu nếu chúng ta từ chối con đường của Ngài, nhưng Ngài kêu gọi chúng ta nhìn thấy những gì chúng ta thật sự mất mát. Những kẻ không đến đều bị hình phạt, nhưng điều bi đát đích thực chính là họ đánh mất niềm vui của tiệc cưới. Nếu chúng ta từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu sẽ có ngày chúng ta phải chịu đau đớn giày vò, không phải vì những nỗi khổ hình phải chịu nhưng vì nhận ra chúng ta đã đánh mất những điều quý báu nhất và đã tự lừa dối chính mình.

  • + Lời mời gọi của Chúa dành cho chúng ta là lời mời gọi của ân sủng. Những kẻ được quy tụ từ những nẻo đường không có quyền đòi hỏi gì nơi nhà vua cả. Họ không bao giờ có thể ngờ được rằng, mình sẽ được mời dự tiệc cưới và càng không xứng đáng để dự tiệc đó. Nhưng việc xảy ra đối với họ không bởi điều gì khác hơn là lòng quảng đại, lòng hiếu khách tử tế của nhà vua khiến ông mở rộng đôi tay tiếp đón họ. Bởi ân sủng, lời mời được ban ra, và bởi ân sủng mà người ta được tập hợp lại.

- Câu chuyện thứ hai nói đến một thực khách dự tiệc cưới của nhà vua nhưng không mặc y phục lễ cưới. Một trong những điều lý thú nhất của dụ ngôn này là Đức Giêsu đưa ra một câu chuyện đã quen thuộc với người nghe và sử dụng câu chuyện theo cách của Ngài. Vậy Đức Giêsu muốn dạy điều gì trong câu chuyện này? Cũng như trong dụ ngôn thứ nhất, dụ ngôn này chứa đựng một bài học có tính cách địa phương và một bài học có tính cánh phổ biến hơn.

  • + Bài học thứ nhất đó là, Đức Giêsu nói tới việc nhà vua sai đầy tớ đi khắp các nẻo đường để tập hợp mọi người lại cho đủ số khách dự tiệc. Đó là ví dụ về hình ảnh một cánh cửa mở rộng. Nó cho thấy người ngoại hay những kẻ có tội đã được tập hợp lại như thế nào. Ví dụ này nhấn mạnh đến một sự quân bình cần thiết. Cánh cửa mở ra cho mọi người, nhưng khi đến họ phải mang theo một đời sống thích hợp với tình yêu được ban cho họ. Ân sủng không chỉ là một quà tặng mà nó còn là một trách nhiệm nặng nề đi kèm. Con người không thể tiếp tục sống như trước khi họ gặp Chúa. Người ấy phải mặc lấy sự thánh thiện, sự trong sạch mới. Cánh cửa mở nhưng không phải để tội nhân vào mà vẫn giữ nguyên là tội nhân, nhưng để tội nhân có thể vào và trở thành thánh nhân.

  • + Bài học thứ hai đó là, cung cách của một người thể hiện tâm hồn của người đó. Khi đến thăm một người bạn, ta sẽ không mặc bộ đồ làm vườn mà đến. Chúng ta biết rõ ràng áo quần không thành vấn đề đối với bạn chúng ta, cũng không phải chúng ta muốn trình diễn, nhưng vì vấn đề tôn trọng nên chúng ta phải đến nhà bạn một cách lịch sự chỉnh tề. Chuẩn bị trước như thế là chúng ta bày tỏ cảm tình và sự tôn trọng của mình đối với bạn. Còn đối với người tín hữu chúng ta thì sao? Dụ ngôn này không quan hệ gì đến việc ăn mặc của chúng ta khi đến nhà thờ, nhưng nó nói lên tinh thần chúng ta khi đến nhà Chúa. Rõ ràng chúng ta không bao giờ đi đến nhà thờ để trình diễn, nhưng rất cần phải có một thứ trang phục cho tâm hồn và cho lòng trí của chúng ta. Đó là sự khát khao, trông đợi, lòng khiêm nhượng và thống hối, đức tin và tôn kính. Đây là bộ lễ phục nếu không mặc vào thì ta sẽ không dám đến gần Chúa. Điều thường xảy ra là chúng ta hay đến nhà Chúa mà không sửa soạn chút nào, tức là chỉ đến như một thói quen hay đến để khỏi mắc tội. Nếu mỗi người đều chuẩn bị trước khi đến nhà thờ bằng lời cầu nguyện, suy nghĩ và tự kiểm điểm bản thân thì việc thờ phượng như thế mới đúng là thờ phượng thật, mới đem lại nhiều điều tốt lành cho linh hồn mỗi người, cho Hội Thánh và cho cả nhân loại.

- Richard L. Evans từng nói: “Không quên dựa vào lẫn nhau, để củng cố và duy trì, để tình bằng hữu thú vị và sống động. Không quên phẩm cách và sự tôn trọng; cảm thông; không mong chờ sự hoàn hảo; có khiếu hài hước và nhận thức được điều gì đáng trân trọng và nên nghiêm túc; những mục đích chung, những niềm tin chung, và cá tính đủ để giữ vững thỏa thuận hay hiệp ước - chính những điều này sẽ làm nên một cuộc hôn nhân tốt và vững bền”. Quả thật, đó là những điều mà bất kì ai sống đời hôn nhân cũng mơ ước. Người ta không chỉ là tìm hiểu nhau, nhưng còn là biết tha thứ và đón nhận nhau nữa. Thế nhưng, dẫu biết hôn nhân là việc trọng đại nhưng kể từ “khi hai ta về một nhà, khép đôi mi chung một giường”, thì có rất nhiều chuyện xảy ra không như người ta mong đợi. Câu chuyện Sách Thánh kể cho chúng ta nghe về tình cảnh của một vị vua lo hôn sự cho con của mình. Hẳn nhiên, ông không thể ngồi khoanh tay và phó mặc cho đám quần thần xuôi ngược lo liệu mọi sự, bởi dù gì đi nữa thì đó là chuyện quan trọng của con cái mình. Nhưng dẫu cho mọi sự tưởng chừng mọi thứ đã sẵn sàng thì vào phút chót, ông vấp phải những điều phiền muộn ngoài dự tính, nhất là khi khách được mời lại coi thường nhà vua của mình.

- Cuộc sống quanh ta cũng không ít lần chứng kiến các kế hoạch kết hôn bị hủy bỏ vào phút chót với nhiều lý do khác nhau, nhất là trong mùa này, khi mà đại dịch Covid ập đến và bùng phát dữ dội. Nhiều cặp đôi vì thế mà hoãn lại ngày cưới, còn hoãn cho tới khi nào thì chẳng ai biết được. Tuy nhiên, trong cái khó lại ló cái khôn. Cặp đôi trong câu chuyện trên đây là một điển hình. Họ cố ý tạo ra cho mình không chỉ là một dịp đặc biệt nhưng còn rất “độc và lạ” nữa, kết hôn online. Ngay giữa mùa dịch, đám cưới của họ thật giản đơn, thiếu vắng người thân, không được bạn bè góp mặt để chung vui cùng chúc phúc… nhưng chúng ta tin rằng, cái cần có nhất đó chính là tình yêu đã khiến họ đi đến quyết định táo bạo này.

- Họ tận dụng tối đa những phương tiện kĩ thuật để chuyển tải những hình ảnh cùng những thông điệp đầy sắc màu yêu thương đến những người thân thuộc. Chắc chắn, đây sẽ là một dịp đáng nhớ trong đời của họ. Họ không lo chuyện cỗ bàn thiếu thực khách, cũng chẳng màng tới chuyện nợ nần do phải trả chi phí cho một đám cưới được tổ chức rình rang. Chúng ta là những người cho dẫu chẳng thân quen nhưng cũng không quên cầu chúc cho họ có được một đời sống hôn nhân viên mãn. Ước mong luôn sánh vai nhau mà tiến bước và không quên xác định: “Mục tiêu của hôn nhân không phải để tạo ra sự tương đồng nhanh chóng bằng cách xé bỏ mọi biên giới; ngược lại, một cuộc hôn nhân tốt là khi mỗi người để đối phương bảo vệ cho sự cô độc của mình, và vì vậy họ cho nhau sự tin tưởng mãnh liệt nhất. Sự hợp nhất hai người là không thể, và khi nó dường như tồn tại, nó là sự đồng thuận bủa vây cướp đi tự do và sự phát triển đầy đủ nhất của một hoặc cả hai người. Nhưng một khi họ nhận ra rằng thậm chí giữa những người gẫn gũi nhất cũng có khoảng cách vô hạn, cuộc sống kỳ diệu bên nhau sẽ nảy nở, nếu họ yêu được khoảng cách giữa cả hai vì nó cho họ khả năng có thể luôn thấy nhau trọn vẹn trên nền trời bát ngát” (Rainer Maria Rilke).

Viết Cường, O.P.

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật IV Phục sinh năm B
Trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào.
Thập tự giá
Thập tự giá
Thập tự giá là khung gỗ có hình chữ T của tiếng Hy Lạp, đôi khi có hình chữ thập như trong chữ Hán, người Rôma dùng để cột hoặc đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hoàn thiện trong đời sống đức Tin
Hai ngàn năm qua, Giáo hội rao giảng một Tin Mừng duy nhất, đó là Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Thiên Chúa là đấng trung tín. Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và không bao giờ phản bội con người.
Xương
Xương
“Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).
Emmau - Đamas
Emmau - Đamas
Có thể nói, đường đi Emmau đâu có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Chạm vào lòng thương xót của Chúa
Đoạn Tin Mừng hôm nay dù đã được chọn đọc cho lễ Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh trước khi gắn với lễ kính Lòng Thương xót của Chúa, nhưng cũng cho chúng ta cơ hội khám phá ra dung mạo tuyệt vời của lòng Chúa xót thương được thể...
Hôm nay
Hôm nay
Hôm nay có nghĩa là giây phút hiện tại mà con người được Thiên Chúa mời gọi sống theo đúng ơn gọi của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật.
Mộ
Mộ
Truyền thống thời các tổ phụ cho biết, người ta dùng hang động tự nhiên để làm mộ: Abraham mua ở Hebron, nơi có hang Makpela làm nơi ông và bà Sara được mai táng (St 23,19 25,9).
Họ đã thấy và đã tin
Họ đã thấy và đã tin
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19).