CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - năm C
Bài đọc 1: Gv 1,2; 2,21-23; Bài đọc 2: Cl 3,1-5.9-11; Tin Mừng: Lc 12,13-21
Có lần trên đường từ ngã tư An Sương về trung tâm thành phố, tình cờ tôi nhìn thấy tấm bảng quảng cáo của một nhà hàng viết “1980: ăn; 1990: ăn no; 2000: ăn ngon; 2005: ăn vì sức khỏe”. Quảng cáo đó hay quá vì không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế của Việt Nam, mà còn diễn tả sự thay đổi về đường lối xã hội và sâu hơn nữa là lối sống của người dân. Từ lúc nghèo khổ chỉ mong được ăn no, đến lúc tương đối ăn no thì lại mong ăn ngon, đến khi ngon quá lại thấy sinh bệnh nên phải lo ăn vì sức khỏe! Hàm ẩn trong những chuyển biến về miếng ăn là đường lối, chính sách kinh tế, từ kinh tế tập trung đến kinh tế thị trường. Và những chuyển biến kinh tế lại kèm theo sự chuyển biến trong lối sống của người dân.
Ngày nay người ta muốn khoe cái giàu của mình ra, vì có xu hướng đánh giá nhau dựa trên sự giàu có, càng giàu bao nhiêu thì giá trị của mình càng to bấy nhiêu. Từ vài năm nay, Sài Gòn mọc lên rất nhiều quán cà phê hạng sang, không chỉ dăm ba ngàn một ly cà phê mà là mấy chục, có khi cả trăm ngàn. Có bạn trẻ nói rằng vào quán cà phê đó thì như thấy mình oai ra, thấy mình sang hẳn! Giá trị con người lớn hẳn!
![]() |
Khi bối cảnh xã hội thay đổi như thế thì những người như nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể sẽ được tuyên dương là doanh nghiệp thành đạt và được trân trọng trong xã hội. Thế mà trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại gọi nhà phú hộ là “Đồ ngu”. Sao Chúa Giêsu lại lên án người giàu? Phải chăng Ngài không thức thời?
Đặt những câu hỏi như vậy để ta phải trở về với dụ ngôn mà khám phá ra điều Chúa Giêsu thực sự muốn nói. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu kể về “nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu! Rồi ông ta tự nhủ:
Mình sẽ làm thế này: phá những kho kia đi, xây những cái lớn hơn để tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó (Lc 12,16-18). Giả như Chúa Giêsu chỉ kể đến đây thôi và sau đó Ngài phán một câu là “Đồ ngu”, thì có thể nói rằng Ngài kết án việc làm kinh tế. Nhưng thưa không. Ngài không chỉ kể đến đó, mà kể thêm câu này: Lúc đó nhà phú hộ nhủ lòng rằng hỡi linh hồn ta ơi, của cải bây giờ ê hề, xài nhiều năm không hết, thế thì mình cứ chơi cho thoải mái, cứ hưởng thụ cho đã. Rồi sau đó, Chúa Giêsu mới kết luận: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngu! Nội đêm nay, người ta đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
Thành thử ra, Chúa Giêsu không có ý phê phán về chuyện làm kinh tế, nhưng Ngài muốn phê phán cái thứ triết lý sống hàm ẩn trong quan điểm của nhà phú hộ và của nhiều người giàu có: “Có tiền là có mọi sự. Tôi có tiền là cuộc sống của tôi được đảm bảo hoàn toàn. Tôi có tiền là tôi không sợ đứa nào cả”.
Thứ triết lý sống đó nguy hiểm vì nó có thể tàn phá nhân cách. Con người đâu chỉ là vật chất. Tôi có thể “có” một tỷ đồng nhưng tôi không “là” một tỷ! Nếu lấy tiền và của cải vật chất để đo lường giá trị con người thì đã tự đồng hóa bản thân với đồng tiền, với của cải; nói cách khác là đã vật chất hóa chính con người của mình. Và như thế còn đâu là ơn gọi cao cả của con người.
Thứ triết lý sống đó nguy hiểm còn vì nó tàn phá những giá trị tinh thần. Con người ta sống đâu phải chỉ vì miếng ăn, mà còn có những giá trị như là công bằng, nhân nghĩa, trung thực. Khi người ta lấy đồng tiền là trên hết thì người ta sẵn sàng đạp đổ những giá trị tinh thần đó, miễn sao có thật nhiều tiền. Cuộc sống xã hội ngày hôm nay đang làm chứng cho chúng ta về điều đó.
Và thứ triết lý sống đó nguy hiểm nữa vì nó có thể tàn phá những tương quan xã hội, kể cả những tương quan căn bản nhất như tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái; tương quan thầy trò; tương quan bạn hữu... vì đồng tiền mà bị phá đổ hết.
Cuối cùng, thứ triết lý sống đó có thể tàn phá sự sống đời đời nơi con người: “Đồ ngu, nội đêm nay, Thiên Chúa đòi linh hồn ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Và ngươi đến trước mặt Chúa với cái gì? Với tâm hồn và bàn tay trống rỗng? Vì “kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế” (Lc 12,21).
Tác giả sách Giảng Viên kêu lên trong bài đọc 1: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Tầm nhìn của tác giả xem ra quá bi quan và tiêu cực nhưng dẫu sao nó cũng phản ánh một thực tế là tính hữu hạn và sự bấp bênh của đời sống con người trên trần thế. Chính vì thế nên Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12, 15). Đồng thời hãy tập làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng cách gieo rắc yêu thương, vun đắp những giá trị tinh thần là những giá tồn tại mãi trong Nước Trời, Vương quốc của sự thật, tình yêu, bình an và chan chứa niềm vui.
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP. Mỹ Tho
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.