Thứ Sáu, 15 Tháng Tư, 2022 08:00

Hãy vui lên

 

Chúa nhật Phục Sinh, năm C 

Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Tin Mừng: Ga 20,1-9 

 

Hãy vui lên, đó là nội dung bài ca của Giáo hội long trọng loan tin Chúa đã Phục Sinh trong đêm canh thức. Lời mời gọi “Hãy vui lên” được nhắc đi nhắc lại như một điểm nhấn quan trọng và một điệp khúc diễn tả niềm vui lớn lao kỳ diệu. Lời kêu mời đó được ngỏ với các thiên thần trên trời, đến cộng đoàn đông đảo các thánh, rồi đến các tín hữu và những ai thành tâm thiện chí. Ðây là niềm vui trọng đại, giống như niềm vui của tù nhân được giải phóng khỏi tù ngục để bước ra hưởng tự do hạnh phúc, như người đi xa lâu năm gặp lại người thân, như nai rừng tìm thấy nguồn suối, như bông hoa thấy ánh mặt trời. Hãy vui lên và trút bỏ tang chế, vì Thiên Chúa, Ðấng chúng ta tôn thờ, là Ðấng hằng sống. Ngài đã làm cho Ðức Giêsu là Con Một của Ngài chiến thắng tử thần, sống lại vinh quang. Vâng, hãy vui lên vì từ nay sự chết không còn quyền lực gì đối với những ai tin vào Chúa. Nếu sự chết còn tồn tại, thì nó chỉ là một trạm chuyển tiếp trước khi con người bước vào thế giới linh thiêng, vĩnh cửu.

 

Hãy vui lên vì trong Ðức Giêsu Phục Sinh, thân phận con người tìm thấy ý nghĩa và phẩm giá của mình. Từ ngàn đời, con người không ngừng đặt ra những vấn nạn về thân phận của họ bên kia cái chết. Ðức Giêsu Phục Sinh bước ra khỏi mồ như câu trả lời cho những vấn nạn ấy, và như bằng chứng hùng hồn về những gì Người đã tiên báo trước đó: “Này chúng ta đi lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19). Người Do Thái đã xử với Chúa đúng y như lời Người tiên báo. Phụng vụ Lời Chúa trong Ðại lễ Phục Sinh giới thiệu với chúng ta những nhân chứng bằng xương bằng thịt, những người đã mắt thấy tai nghe. Họ đã nhìn thấy Chúa chết trên thập giá và nay họ được thấy Người sống lại. Trước hết, đó là lời chứng của Phêrô, vị tông đồ trưởng. Ông đã làm chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu tại nhà ông Cornêliô ở Xêdarê, là những “người ngoại”, tức không phải là người Do Thái. Ðối với Phêrô, Ðức Giêsu Phục Sinh đã đưa nhân loại sang một trang sử mới. Từ nay, “ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”.

Bài Tin Mừng hôm nay còn giới thiệu với chúng ta chứng từ của Maria Mácđala và của Gioan, người môn đệ Chúa yêu. Có một sự kiện duy nhất là Chúa sống lại, nhưng mỗi người có một cảm nhận và một cách làm chứng khác nhau. Maria Mácđala, với tâm lý chung của người phụ nữ, vội vã chạy về gặp hai môn đệ Phêrô và Gioan để “khoe” về điều mình đã thấy. Bà không quên kèm theo một lời kết luận dựa trên phỏng đoán cá nhân: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”. Bà ngỡ ngàng kinh ngạc trước cảnh tượng vừa được chứng kiến và nóng lòng sốt ruột chạy đi loan báo cho mọi người. Về phần mình, Gioan không hốt hoảng vội vã như Mácđala, không hăng hái hùng biện như Phêrô, nhưng chứng từ của ông mang tính nội tâm và sâu sắc. Chính ông đã ghi lại lời chứng của mình một cách khách quan: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào (mộ). Ông đã thấy và đã tin”. Việc chứng kiến ngôi mộ trống đã lập tức làm cho Gioan liên tưởng và kết nối các sự kiện cũng như những lời tiên báo của Chúa, giúp ông xác tín vững vàng rằng: Chúa đã sống lại. Ngôi mộ trống thay vì làm ông hốt hoảng và kinh hoàng như Mácđala, lại giúp ông tin rằng Thầy mình đang sống. Ngôi mộ trống soi sáng cho ông hiểu những lời giáo huấn của Chúa và những lời tiên báo trong Kinh Thánh. Giáo Hội tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trong niềm xác tín Người vẫn đang sống và đang hiện diện. Chúa đã sống lại, hãy vui lên.

Lễ Phục Sinh là lễ của niềm vui. Người tín hữu vui mừng hân hoan vì Chúa Phục Sinh là bảo chứng cho những ai tin theo Chúa sẽ được Phục Sinh Vinh Quang với Người. Khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, chúng ta được mời gọi hãy “sống lại về phần linh hồn”, nghĩa là hãy đoạn tuyệt với tội lỗi để sống xứng đáng là con Thiên Chúa. Những thực hành của Mùa Chay gồm chay tịnh khổ chế và cầu nguyện bác ái đã giúp chúng ta phần nào trút bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới được ánh sáng của Ðấng Phục Sinh chiếu soi. Nếu Chúa Giêsu Phục Sinh đã bước ra khỏi nấm mồ, thì mỗi Kitô hữu cũng phải bước ra từ những nấm mồ là sự ích kỷ, mưu mô và hận thù toan tính, rũ bỏ quá khứ tội lỗi để làm lại cuộc đời.

Sự Phục Sinh của Chúa là một sứ điệp cần loan báo cho con người mọi nơi, mọi thời. Những ai đã lãnh nhận phép Thanh Tẩy đều là những sứ giả loan tin vui Phục Sinh. Như Phêrô, Mácđala và Gioan, mỗi người có cách loan báo riêng của mình, nhưng nội dung của lời loan báo luôn là Chúa Giêsu Phục Sinh, là Ðấng Chiến thắng vinh quang. Chúng ta cũng vậy, mỗi người có hoàn cảnh riêng, những khó khăn và thuận lợi riêng, nhưng đều có sứ mạng loan báo Ðấng Phục Sinh, Ðấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho mỗi người biết nhiệt thành nói với anh chị em xung quanh rằng: Hãy vui lên, Chúa đã sống lại. Hãy vui lên, vì chúng ta cũng được sống lại với Người

 

TGM Giuse  Vũ Văn Thiên - TGP Hà Nội

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm