HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - NĂM A

Lc 24,13-35

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Đọc Lc 24,13-16. Bạn thấy Chúa Giêsu phục sinh khiêm tốn ở điểm nào? Điều gì ngăn cản mắt hai môn đệ khiến họ không nhận ra Thầy mình?

2. Đọc Lc 24,17-19. Bạn nghĩ gì về kỹ năng gợi chuyện của Chúa Giêsu? Làm sao có được kỹ năng này?

3. Dựa vào Lc 24,18-32, hãy cho thấy hai môn đệ này thiếu lòng tin, lòng mến và niềm hy vọng.

4. Đọc Lc 24,19-21. Điều gì làm hai môn đệ thất vọng và đau buồn? Đọc thêm Cv 1,6.

5. Dựa vào Lc 24,25-27, hãy cho biết Chúa Giêsu đã làm gì để giúp họ lấy lại lòng tin?

6. Đọc Lc 24,28-32. Hãy cho thấy cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với hai môn đệ đã thành công.

7. Đọc 24,30-31.35. Nhờ đâu mà hai môn đệ nhận ra người khách lạ đi với mình là Chúa Giêsu?

8. Đọc 24,33-35. Bạn nghĩ gì về phản ứng của hai môn đệ sau khi nhận ra Chúa?

GỢI Ý SUY NIỆM

Bạn có thích cách thức Chúa Giêsu đến gặp hai môn đệ Emmaus không? Bạn thích ở những điểm nào? Chúa phục sinh gặp hai môn đệ ở “dọc đường” (Lc 24,32.35). Có khi nào bạn gặp Chúa Giêsu ở ngoài đường không?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Chúa Giêsu phục sinh khiêm tốn vì chính Ngài chủ động đến gần và cùng đi với hai môn đệ về làng Emmaus. Hai người này đã bỏ nhóm môn đệ ở Giêrusalem để về lại gia đình của mình. Nhưng hai ông không nhận ra Ngài, “vì mắt của họ còn bị ngăn cản” (Lc 24,16). Có thể nói sự ngăn cản này đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chưa muốn cho họ thấy ngay Thầy Giêsu của họ đã phục sinh và đang đi với họ. Thiên Chúa đòi họ phải đi qua một tiến trình trước khi nhận ra Thầy. Đó là nghe lời giảng của Thầy về Kinh Thánh, và nhìn thấy Thầy bẻ bánh trao cho hai ông. Chỉ khi ấy, “mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài” (Lc 24,31).

2. Hai môn đệ đang đắm chìm trong câu chuyện về Đức Giêsu thì chính Đức Giêsu tiến lại và cùng đi với họ. Ngài muốn tham dự vào câu chuyện của họ. Ngài thương họ và muốn chia sẻ nỗi đau của họ. Chính vì thế, dù biết rõ, Ngài vẫn hỏi xem họ đang trao đổi chuyện gì vậy (Lc 24,17). Đức Giêsu phục sinh cho thấy mình quan tâm đến điều họ đang nặng lòng. Câu trả lời của ông Clêôpát có chút mỉa mai (Lc 24,18), nhưng không vì thế mà Ngài cắt đứt cuộc đối thoại. Ngài tiếp tục hỏi: “Chuyện gì vậy?” (Lc 24,19). Thái độ khiêm tốn và quan tâm của người khách lạ đã làm cho hai môn đệ làm được điều không dễ, đó là chia sẻ nỗi đau sâu kín của mình với một người xa lạ tình cờ gặp trên đường. Kỹ năng gợi ý của Đức Giêsu bắt nguồn từ tình thương đối với hai môn đệ. Ngài muốn giúp họ nên phải kéo dài cuộc đối thoại bằng cách gợi chuyện.

3. Hai môn đệ này mất niềm hy vọng khi họ nói: “Trước đây chúng tôi đã hy vọng…” (Lc 24,21). Họ mất niềm tin vào các phụ nữ trong nhóm khi họ không tin những gì các bà kể lại (Lc 24,22-23). Sau khi Đấng phục sinh biến đi, họ mới nhớ lại là “trái tim của họ đã bừng cháy” khi nghe Chúa giảng Kinh Thánh dọc đường (Lc 24,32). Như thế trước đây, trái tim của họ đã có phần nguội lạnh.

4. Hai môn đệ đau buồn về chuyện Thầy Giêsu của họ, người họ tin là một ngôn sứ đầy uy quyền, trong việc làm lẫn lời nói, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Họ cũng tin Thầy là đấng sẽ cứu chuộc Ítraen, sẽ đánh đuổi ngoại bang để khôi phục lại nước Ítraen độc lập (x. Cv 1,6). Vậy mà Thầy đã chết vì bị đóng đinh vào thập giá. Nay đã được ba ngày rồi. Đâu còn gì để hy vọng nữa! (Lc 24,19-21).

5. Chúa phục sinh dẫn hai ông đi vào Sách Thánh, từ các sách Ngũ Thư của Môsê đến mọi sách ngôn sứ (Lc 24,25-27). Từ đó Ngài cho hai ông thấy những điều liên quan đến Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhờ lời giảng giải Kinh Thánh của Chúa phục sinh mà hai ông hiểu rằng: Đức Kitô phải chịu đau khổ để vào vinh quang. Thầy của họ cũng vậy. Đau khổ và cái chết của Thầy chỉ là một giai đoạn tạm thời trước khi Thầy được hưởng vinh quang mãi mãi. Nhờ nghe giảng Kinh Thánh mà hai ông thấy nhẹ lòng, nút thắt được tháo gỡ.

6. Câu chuyện dọc đường của Chúa Giêsu với hai môn đệ được coi là thành công, vì hai ông đã nài ép Ngài ở lại với họ, khi Ngài có ý tiếp tục đi xa hơn. Sau này họ nhận ra: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, trái tim chúng ta đã chẳng bùng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Lời giảng của Chúa Giêsu chạm được vào trái tim của họ.

7. Dựa trên Lc 24,30-31 ta thấy hai môn đệ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. Lúc đó mắt họ hết bị ngăn cản (Lc 24,16), nhưng mở ra để nhận ra Ngài (Lc 24,31). Dĩ nhiên, hai môn đệ lúc nào mà chẳng mở mắt, nhưng “mở mắt” ở đây để chỉ một hành động của Thiên Chúa. Để nhận ra Chúa Giêsu phục sinh, cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đúng là hai môn đệ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh (Lc 24,35), nhưng không nên quên rằng toàn bộ câu chuyện dọc đường giữa Chúa Giêsu và hai ông cũng góp phần quan trọng cho việc nhận ra này.

8. Ngay lúc nhận ra Chúa, hai ông đứng lên, quay về lại Giêrusalem để gặp nhóm Mười Một và các bạn khác (Lc 24,33-35). Hai ông muốn đi ngay vì lòng họ quá vui; họ có một niềm vui lớn cần chia sẻ gấp. Hai ông đã ra khỏi sự buồn bã thất vọng của mình. Không còn lý do gì để về ở nhà nữa. Họ muốn quay trở lại với cộng đoàn ở Giêrusalem để kể lại cho mọi người về kinh nghiệm mình mới có được. Họ muốn ở lại với cộng đoàn.

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Mộ
Mộ
Truyền thống thời các tổ phụ cho biết, người ta dùng hang động tự nhiên để làm mộ: Abraham mua ở Hebron, nơi có hang Makpela làm nơi ông và bà Sara được mai táng (St 23,19 25,9).
Họ đã thấy và đã tin
Họ đã thấy và đã tin
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19).
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?
Mộ
Mộ
Truyền thống thời các tổ phụ cho biết, người ta dùng hang động tự nhiên để làm mộ: Abraham mua ở Hebron, nơi có hang Makpela làm nơi ông và bà Sara được mai táng (St 23,19 25,9).
Họ đã thấy và đã tin
Họ đã thấy và đã tin
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19).
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật Lễ Lá - năm B
Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?
Con đường theo Chúa
Con đường theo Chúa
Trong ngôn ngữ thông thường, người ta vẫn nói: tin là theo Chúa, là theo Đạo. Chữ “theo” ở đây diễn tả một hành trình dài, một hướng đi cho cả cuộc đời. Con đường theo Chúa bao gồm vui mừng và đau khổ đan xen.
Sự chết và sự sống
Sự chết và sự sống
Theo quy luật chung, cuộc sống của chúng ta tồn tại nhờ vào sự hy sinh của những người có liên hệ, cụ thể là cha mẹ và những người thân. Chúng ta sống và tồn tại cũng là nhờ các loài sinh vật cỏ cây mà mình dùng làm...
Con rắn
Con rắn
Tiếng Hy Lạp có từ ophis (rắn) và echidna (rắn độc), trong khi tiếng Do Thái trong Cựu Ước có đến chín danh xưng để chỉ con rắn. Trong số đó, leviathan và tanmin (con rồng) chỉ những thực thể bí nhiệm và nehushàn là con rắn đồng, đối tượng...
Chúa yêu thương thế gian
Chúa yêu thương thế gian
Trong bài Tin Mừng hôm nay có một câu rất quan trọng mà chúng ta phải thuộc lòng để luôn ghi nhớ. Đó là câu Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian…
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật III Mùa Chay - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật III Mùa Chay - năm B
Hãy ngắm nhìn những hành vi giận dữ của Đức Giêsu: Ngài làm roi để đuổi, đổ tung và lật nhào bàn, bắt đem ra khỏi đây. Bạn nghĩ Đức Giêsu sẽ làm gì, nói gì khi đến với Đền thờ tâm hồn của chúng ta hôm nay?
Đoàn chiên
Đoàn chiên
Đoàn chiên là hình ảnh dùng để chỉ Dân Thiên Chúa.