Ga 10,11-18
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Có bao nhiêu cụm từ hy sinh mạng sống mình trong đoạn Phúc âm này?
2. Đức Giêsu là Ánh sáng thật (Ga 1,9), Bánh thật (Ga 6,32), Cây Nho thật (Ga 15,1). Ở đây Ngài là Mục Tử tốt (Ga 10,11). Thế nào là một mục tử tốt?
3. Đọc Ga 10,10 : "Tôi đến để chiên có sự sống và có một cách dồi dào." Sự sống ở Ga 10,10 có khác với mạng sống ở Ga 10,11 không?
4. Đọc Ga 10, 12-13. Đâu là sự khác biệt giữa người mục tử tốt và người chăn thuê?
5. Đọc Ga 10,14. Đức Giêsu và chiên của mình biết nhau có sâu không?. Đọc Ga 10,3-6. 8. 16.
6. Đọc Ga 10,15. Chúa Cha và Đức Giêsu biết nhau có sâu không? Đọc Ga 7,29; Mt 11,27; Lc 10,22.
7. Đọc Ga 10,16. Theo bạn, những chiên khác không thuộc về ràn này là ai? Đây có phải là chiên của Đức Giêsu không?
8. Đâu là ước mơ của Đức Giêsu về những con chiên này? Đọc thêm Ga 11,50-52; 12,32; 17,20.
9. Trong Ga 10,18 Đức Giêsu nói rằng Ngài có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống. Đức Giêsu lấy quyền ấy ở đâu? Đọc Ga 3,27; 19,10-11.
GỢI Ý SUY NIỆM
Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào?
![]() |
PHẦN TRẢ LỜI
1. Cụm từ “hy sinh mạng sống” nằm trong các câu 11, 15, 17, và hai lần trong câu 18.
2. Đức Giêsu nhận mình là Người Mục Tử tốt (Ga 10,11). Mục Tử tốt là người dám liều mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên khỏi nanh sói dữ. Đức Giêsu không chỉ dám liều mạng sống, mà Ngài còn thực sự đã hy sinh mạng sống của mình, chấp nhận cái chết trên thập giá, chết “vì” chiên và “cho” chiên. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Mục Tử (Ed 34,15-16), và Ngài hứa ban một Mục tử (Ed 34,23-24). Đức Giêsu chính là người Mục Tử tuyệt vời mà Thiên Chúa hứa ban.
3. Phúc âm Gioan phân biệt hai từ sự sống và mạng sống. Tôi đến để chiên có sự sống: sự sống ở đây là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu. Tôi hy sinh mạng sống mình: mạng sống ở đây là mạng sống của thân xác ở đời này.
4. Người chăn thuê và người mục tử tốt khác nhau ở thái độ của họ đối với đàn chiên khi sói đến. Người mục tử tốt thì dám chết để bảo vệ đàn chiên, còn người chăn thuê thì bỏ chiên mà chạy. Anh chăn thuê bỏ mặc chiên cho sói dữ vì anh ta thấy “chiên không thuộc về mình” (c. 12) nên anh cũng “không thiết gì đến chiên” (c. 13).
5. Gioan 10,14 có thể cho thấy một nét khác của người Mục Tử tốt, đó là biết chiên của mình. Và ngược lại, chiên cũng biết người Mục Tử. Đây là một sự hiểu biết hai chiều, hiểu biết nhau sâu xa. Người Mục Tử gọi tên từng con chiên của anh, và dẫn chúng ra. Đàn chiên thì nghe và nhận biết tiếng của anh, rồi đi theo anh.
6. Gioan 10,15 cho thấy sự hiểu biết hai chiều và sâu xa giữa Chúa Cha và Đức Giêsu. Đức Giêsu là Con, biết mình phát xuất từ Chúa Cha và được Chúa Cha sai đến (Ga 7,29). Phúc âm Mt 11,27 cũng cho thấy Cha và Con biết nhau một cách độc nhất vô nhị.
7. “Những chiên không thuộc về ràn này” là những người chưa nghe tiếng Đức Giêsu, chưa đi theo Ngài, chưa ở trong cùng một ràn với các chiên khác (ràn là khu vực giữ chiên, có cổng, được vây quanh bởi hàng rào bảo vệ). Những chiên này cũng là chiên của Đức Giêsu, vì Ngài nói: Tôi còn có những chiên khác không thuộc về ràn này (c. 16).
8. Đức Giêsu có một ước mơ đối với những con chiên còn ở ngoài ràn. Ngài cầu nguyện cho họ (Ga 17,20), mong quy tụ họ về một mối (Ga 11,52), và từ thập giá Ngài kéo mọi người lên với Ngài (Ga 12,32).
9. Đức Giêsu có quyền hy sinh mạng sống và quyền lấy lại mạng sống, nghĩa là phục sinh. Quyền đó Ngài nhận được từ Chúa Cha. Trong Ga 10,18 Đức Giêsu bảo đó là “mệnh lệnh tôi đã nhận từ Cha tôi.”
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.